Mức lương đóng thuế thu nhập cá nhân hiện hành

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
21/11/2022 09:00 AM

Xin hỏi, đối với thuế thu nhập cá nhân thì lương bao nhiêu thì đóng thuế thu nhập cá nhân - Minh Quang (TP.HCM)

Mức lương đóng thuế thu nhập cá nhân hiện hành

Mức lương đóng thuế thu nhập cá nhân hiện hành

1. Ai phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

Căn cứ Điều 2 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007 quy định về đối tượng nộp thuế như sau:

- Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007 phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007 phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

- Cá nhân cư trú là người đáp ứng  một trong các điều kiện sau đây:

+ Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;

+ Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

- Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007.

2. Khi nào phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

Tại Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định về mức giảm trừ gia cảnh như sau:

Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007 như sau:

- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);

- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, đối với đối tượng không được giảm từ gia cảnh thì mức lương/thu nhập chịu thuế từ 11 triệu đồng/tháng hoặc 132 triệu đồng/năm.

3. Quy định về tính mức giảm trừ gia cảnh

>>> Xem thêm Giảm trừ gia cảnh là gì? Mức giảm trừ gia cảnh năm 2022

Người phụ thuộc gồm những ai? Mẫu đăng ký người phụ thuộc

4. Biểu thuế thu nhập cá nhân theo lũy tiến từng phần

Căn cứ Điều 22 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007 quy định các mức đóng thuế thu nhập cá nhân tính theo biểu thuế thu nhập cá nhân theo lũy tiến từng phần như sau:

- Biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007.

- Biểu thuế luỹ tiến từng phần được quy định như sau:

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm

(triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng

(triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 60

Đến 5

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35

 

Lưu ý: Đây là biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.

5. Cách tính thu nhập từ tiền lương, tiền công

5.1. Cách tính thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân không cư trú

Căn cứ Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công như sau:

- Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (×) với thuế suất 20%.

- Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công tại Việt Nam trong trường hợp cá nhân không cư trú làm việc đồng thời ở Việt Nam và nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam thực hiện theo công thức sau:

+ Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam

=

Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam

x

Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)

+

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

Tổng số ngày làm việc trong năm

Trong đó: Tổng số ngày làm việc trong năm được tính theo chế độ quy định tại Bộ Luật Lao động của Việt Nam.

+ Đối với các trường hợp cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam

=

Số ngày có mặt ở Việt Nam

x

Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)

+

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

365 ngày

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam tại điểm a, b Thông tư 111/2013/TT-BTC là các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ cho người lao động.

5.2. Cách tính thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân cư trú

Tại Điều 11 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định về thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công như sau:

- Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP.

- Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là thời điểm người sử dụng lao động trả tiền lương, tiền công cho người nộp thuế hoặc thời điểm người nộp thuế nhận được thu nhập.

Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, người lao động chưa phải tính vào thu nhập chịu thuế tại thời điểm mua bảo hiểm.

Đến thời điểm đáo hạn hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí tích lũy tương ứng với phần người sử dụng lao động mua cho người lao động từ ngày 01/7/2013.

Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm đã mua hoặc đóng góp trước khi trả thu nhập cho người lao động.

- Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản giảm trừ dưới đây:

+ Các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Mức đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập khi xác định thu nhập tính thuế quy định tại Khoản này tối đa không quá 01 triệu đồng/tháng, bao gồm cả số tiền do người sử dụng lao động đóng cho người lao động và cả số tiền do người lao động tự đóng (nếu có).

Trường hợp cá nhân cư trú tại Việt Nam nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân đóng các loại bảo hiểm này như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc thì:

Được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế khi xác định thu nhập tính thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công;

+ Các khoản giảm trừ gia cảnh quy định tại Điều 12 Nghị định 65/2013/NĐ-CP

+ Các khoản đóng góp vào Quỹ từ thiện, Quỹ nhân đạo, Quỹ khuyến học quy định tại Điều 13 Nghị định 65/2013/NĐ-CP.

>>> Xem thêm: Điều kiện được hoàn thuế thu nhập cá nhân

Luật Thuế thu nhập cá nhân mới nhất và tổng hợp văn bản hướng dẫn

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 138,905

Bài viết về

Quyết toán thuế TNCN

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]