Chậm quyết toán thuế thu nhập cá nhân sau ngày 02/5/2024 bị phạt bao nhiêu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
03/05/2024 09:25 AM

Được biết thời hạn cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023 chậm nhất là ngày 2/5/2024. Vậy nếu chậm quyết toán thuế thu nhập cá nhân sau ngày 02/5/2024 bị phạt bao nhiêu? – Ánh Hồng (Bình Phước)

Chậm quyết toán thuế thu nhập cá nhân sau ngày 02/5/2024 bị phạt thế nào?

Chậm quyết toán thuế thu nhập cá nhân sau ngày 02/5/2024 bị phạt thế nào? (Hình từ internet)

Hạn cuối tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023

Theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019, tháng 3 và tháng 4 hàng năm là thời điểm người nộp thuế cần thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Trong đó, thời hạn cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023 chậm nhất là ngày 2/5/2024.

Chậm quyết toán thuế thu nhập cá nhân sau ngày 02/5/2024 bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử lý các trường hợp không quyết toán thuế thu nhập cá nhân đúng hạn như sau:

Trường hợp cá nhân có phát sinh hoàn thuế thu nhập cá nhân nhưng chậm nộp tờ khai quyết toán thuế theo quy định thì không áp dụng phạt đối với vi phạm hành chính khai quyết toán thuế quá thời hạn.

Trường hợp người nộp thuế “không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế” được xác định là một trong những hành vi trốn thuế, tùy từng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ sẽ bị xử phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào Ngân sách Nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế thì người nộp thuế chỉ bị xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Ngoài ra, người nộp thuế cần nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế; và nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế để khắc phục hậu quả.

Còn trường hợp “Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp” bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên áp dụng với tổ chức, trường hợp cá nhân thì bằng ½ mức phạt nêu trên.

Các trường hợp không phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Một số trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công không phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân:

- Cá nhân có số thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống. Cá nhân được miễn thuế trong trường hợp này tự xác định số tiền thuế được miễn, không bắt buộc phải nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân và không phải nộp hồ sơ miễn thuế. Trường hợp kỳ quyết toán từ năm 2019 trở về trước đã quyết toán trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì không xử lý hồi tố;

- Cá nhân có số thuế thu nhập cá nhân phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo;

- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này;

- Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động thì người lao động không phải quyết toán thuế TNCN đối với phần thu nhập này.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 17,286

Bài viết về

Quyết toán thuế TNCN

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]