Các trường hợp, tội danh không được đề nghị đặc xá

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
09/11/2022 09:30 AM

Theo quy định hiện nay, trường hợp nào người phạm tội không được hưởng đặc xá? Thời điểm đặc xá là khi nào? - Văn Sang (Quảng Nam)

Các trường hợp, tội danh không được đề nghị đặc xá

Các trường hợp, tội danh không được đề nghị đặc xá (Hình từ Internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp, tội danh không được đề nghị đặc xá

Theo quy định tại Điều 12 Luật Đặc xá 2018, người có đủ điều kiện quy định tại Điều 11 Luật Đặc xá 2018 này không được đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Bị kết án tù một trong 16 tội danh sau:

+ Tội phản bội Tổ quốc;

+ Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;

+ Tội gián điệp;

+ Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ;

+ Tội bạo loạn;

+ Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân;

+ Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ Tội phá rối an ninh;

+ Tội chống phá cơ sở giam giữ;

+ Tội khủng bố;

+ Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự (bao gồm: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh; Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê; Tội làm lính đánh thuê).

- Bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự;

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác;

- Trước đó đã được đặc xá;

- Có từ 02 tiền án trở lên;

- Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.

Xem thêm: Đặc xá là gì? Điều kiện để người bị kết án được hưởng đặc xá

2. Nguyên tắc thực hiện đặc xá

Điều 4 Luật Đặc xá 2018 quy định việc thực hiện đặc xá phải đảm bảo 03 nguyên tắc sau:

- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch.

- Bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

3. Thời điểm đặc xá

Theo Điều 5 Luật Đặc xá 2018, Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.

Ngoài ra, Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định nêu trên.

4. 05 hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá

Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá được quy định tại Điều 7 Luật Đặc xá 2018, cụ thể:

- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị đặc xá cho người không đủ điều kiện được đặc xá; không đề nghị đặc xá cho người đủ điều kiện được đặc xá; cản trở người bị kết án phạt tù thực hiện quyền được đề nghị đặc xá.

- Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong việc thực hiện đặc xá.

- Cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu liên quan đến người được đề nghị đặc xá trái quy định của pháp luật.

- Từ chối cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu mà theo quy định của pháp luật người được đề nghị đặc xá phải được cấp, xác nhận.

- Giả mạo giấy tờ, tài liệu liên quan đến người được đề nghị đặc xá.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,476

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn