Đăng ký biện pháp bảo đảm là gì? Các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
02/11/2022 10:34 AM

Xin cho tôi hỏi các trường hợp nào phải tiến hành đăng ký biện pháp bảo đảm? - Cường Bảo (Vĩnh Long)

Đăng ký biện pháp bảo đảm là gì? Các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm

Đăng ký biện pháp bảo đảm là gì? Các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đăng ký biện pháp bảo đảm là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm. Cụ thể:

- Sổ đăng ký là Sổ địa chính hoặc Sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đối với biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam đối với biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam đối với biện pháp bảo đảm bằng tàu biển hoặc sổ khác theo quy định của pháp luật;

- Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm là tập hợp các thông tin về biện pháp bảo đảm đã đăng ký được lưu giữ tại cơ quan đăng ký.

(Khoản 2, 3 Điều 3 Nghị định 102/2017/NĐ-CP)

2. Các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm

2.1. Các trường hợp phải đăng biện pháp bảo đảm

Cụ thể tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, các biện pháp bảo đảm sau đây phải đăng ký:

- Thế chấp quyền sử dụng đất;

- Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

- Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

- Thế chấp tàu biển.

2.2. Các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm khi có yêu cầu

Các biện pháp bảo đảm sau đây theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 102/2017/NĐ-CP sẽ được đăng ký khi có yêu cầu:

- Thế chấp tài sản là động sản khác;

- Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;

- Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.

3. Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm

Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký.

Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản khác, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

- Trường hợp đăng ký thay đổi do bổ sung tài sản bảo đảm mà các bên không ký kết hợp đồng bảo đảm mới hoặc do bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm và tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo đảm các bên không có thỏa thuận về việc bảo đảm cho các nghĩa vụ phát sinh trong tương lai, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản bổ sung hoặc nghĩa vụ bổ sung là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký thay đổi vào sổ đăng ký hoặc cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

- Các trường hợp đăng ký sau đây không làm thay đổi thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm:

+ Trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở sang đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai hoặc chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở sang đăng ký thế chấp nhà ở do nhà ở hình thành trong tương lai đã được hình thành theo quy định của Luật nhà ở 2014, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở;

+ Các trường hợp đăng ký thay đổi quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 18 Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

4. Các trường hợp xóa đăng ký biện pháp bảo đảm

Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm;

- Hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp bảo đảm đã đăng ký bằng biện pháp bảo đảm khác;

- Thay thế toàn bộ tài sản bảo đảm bằng tài sản khác;

- Xử lý xong toàn bộ tài sản bảo đảm;

- Tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ; tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Có bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật về việc hủy bỏ biện pháp bảo đảm, tuyên bố biện pháp bảo đảm vô hiệu;

- Đơn phương chấm dứt biện pháp bảo đảm hoặc tuyên bố chấm dứt biện pháp bảo đảm trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật;

- Xóa đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở trong trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật;

- Cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý xong tài sản bảo đảm;

- Theo thỏa thuận của các bên.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 24,828

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]