Điều kiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
21/10/2022 13:47 PM

Để có thể cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thì doanh nghiệp đó phải đáp ứng các điều kiện như thế nào? - Duy Anh (Bình Định)

Điều kiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Điều kiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là việc thực hiện chuyển đổi các doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP thành công ty cổ phần theo quy định pháp luật.

Cụ thể các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa bao gồm:

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con.

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

(đã được sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định 140/2020/NĐ-CP)

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp II).

2. Điều kiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Các doanh nghiệp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo các điều kiện sau:

- Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ;

- Sau khi đã xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Chương II và Chương III Nghị định 126/2017/NĐ-CP mà giá trị thực tế doanh nghiệp bằng hoặc lớn hơn các khoản phải trả;

- Đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với các công ty nông, lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, ngoài phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với diện tích đất phi nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải có phương án sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP.

(Khoản 1 Điều 4 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, được sửa đổi tại điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP)

3. Các hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Cụ thể tại Điều 5 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, các hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bao gồm:

- Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

- Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

- Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

4. Các chi phí cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Chi phí cổ phần hóa do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt dự toán và quyết toán. Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) doanh nghiệp cổ phần hóa quyết định mức chi cụ thể theo các nội dung đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Các khoản chi phí cổ phần hóa phải đảm bảo có đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ, tiết kiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cụ thể, các chi phí cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bao gồm:

- Các khoản chi phí trực tiếp tại doanh nghiệp:

+ Chi phí cho việc tập huấn nghiệp vụ về cổ phần hóa doanh nghiệp;

+ Chi phí kiểm kê, xác định giá trị tài sản;

+ Chi phí lập phương án cổ phần hóa, xây dựng Điều lệ;

+ Chi phí Hội nghị người lao động để triển khai cổ phần hóa;

+ Chi phí hoạt động tuyên truyền, công bố thông tin về doanh nghiệp;

+ Chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần;

+ Chi phí cho việc tổ chức bán cổ phần;

+ Chi phí tổ chức họp Đại hội cổ đông lần đầu.

- Tiền thuê tổ chức kiểm toán, tư vấn cổ phần hóa (tổ chức tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn để xác định giá khởi điểm, tổ chức tư vấn để xây dựng phương án cổ phần hóa, tổ chức tư vấn bán cổ phần) do cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc Ban chỉ đạo (nếu được ủy quyền) quyết định.

Việc thanh toán chi phí cho các tổ chức tư vấn căn cứ vào Hợp đồng ký kết giữa các bên liên quan.

- Thù lao cho Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc:

+ Mức thù lao hàng tháng cho từng thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc tối đa không quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Chính phủ ban hành trong từng thời kỳ.

+ Thời gian thanh toán thù lao cho từng thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc theo thực tế nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc.

- Các chi phí khác có liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp.

Đối với chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không xác định là chi phí cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp theo quy định.

Ngoài các chi phí trên, chi phí cổ phần hóa còn được lấy từ nguồn tiền thu từ bán cổ phần theo quy định tại Điều 39 Nghị định 126/2017/NĐ-CP.

Trong trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện lại việc xác định giá trị doanh nghiệp, tạm dừng chưa thực hiện cổ phần hóa hoặc dừng không thực hiện cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định xử lý các khoản chi phí cổ phần hóa (đảm bảo đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ) hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp và doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

(Điều 8 Nghị định 126/2017/NĐ-CP và được bổ sung khoản 4 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP)

Thanh Rin

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 27,508

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn