Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
15/10/2022 07:54 AM

Khi giải quyết vụ án hành chính, có những biện pháp khẩn cấp tạm thời nào? Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định như thế nào? – Đức Thắng (Quảng Trị)

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính

1. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính bao gồm:

(1) Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, một phần hoặc toàn bộ kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

- Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định đó sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục.

- Tạm đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho rằng việc thi hành một phần hoặc toàn bộ kết luận, kiến nghị kiểm toán đó sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục.

(Điều 69 Luật Tố tụng hành chính 2015, khoản 3 Điều 2 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019)

(2) Tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính

Tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính được áp dụng nếu có căn cứ cho rằng việc tiếp tục thực hiện hành vi hành chính sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục.

(Điều 70 Luật Tố tụng hành chính 2015)

(3) Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định

Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho rằng đương sự thực hiện hoặc không thực hiện hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết.

2. Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính

Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 66 Luật Tố tụng hành chính 2015 như sau:

- Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện của đương sự có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

- Trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.

- Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không phải thực hiện biện pháp bảo đảm.

3. Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính

- Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa do một Thẩm phán xem xét, quyết định.

- Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.

(Điều 67 Luật Tố tụng hành chính 2015)

4. Mẫu đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính

- Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

- Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính sau đây:

+ Ngày, tháng, năm viết đơn;

+ Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

+ Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

+ Tóm tắt nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc hành vi hành chính bị khởi kiện;

+ Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

+ Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

Hiện nay, pháp luật không quy định mẫu đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quý khách hàng có thể tham khảo mẫu sau:

Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

(Điều 73 Luật Tố tụng hành chính 2015)

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,355

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn