Các biện pháp bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, trẻ em là người làm chứng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
23/08/2024 17:30 PM

Nội dung bài viết trình bày các biện pháp bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, trẻ em là người làm chứng theo quy định pháp luật hiện hành.

Các biện pháp bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, trẻ em là người làm chứng

Các biện pháp bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, trẻ em là người làm chứng (Hình ảnh từ Internet)

1. Nội dung quản lý nhà nước về trẻ em

Theo Điều 8 Luật Trẻ em 2016 quy định về nội dung quản lý về trẻ em như sau:

- Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về trẻ em.

- Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về biện pháp, quy trình, tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật.

- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trẻ em; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng và vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em.

- Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ em và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em thực hiện quyền của trẻ em.

- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về trẻ em; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em; giải quyết, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em, người giám hộ và tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

- Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em và việc thực hiện pháp luật về trẻ em cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Hợp tác quốc tế về thực hiện quyền trẻ em.

2. Các biện pháp bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, trẻ em là người làm chứng

- Trẻ em vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi được miễn trách nhiệm hình sự; hình phạt cải tạo không giam giữ; án treo theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015; trẻ em đã chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng hoặc tù có thời hạn được áp dụng các biện pháp bảo vệ sau đây nhằm khắc phục các nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật, phục hồi, tránh tái phạm:

+ Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ hỗ trợ quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 49 Luật Trẻ em 2016, cụ thể như sau:

++ Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em 2016;

++ Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em.

+ Các biện pháp bảo vệ cấp độ can thiệp quy định tại điểm a và điểm e khoản 2 Điều 50 Luật Trẻ em 2016:

++ Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;

++ Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

+ Tìm kiếm đoàn tụ gia đình nếu thuộc trường hợp không có nơi cư trú ổn định;

+ Áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định của Luật Trẻ em 2016 trong trường hợp trẻ em không còn hoặc không xác định được cha mẹ; không thể sống cùng cha, mẹ; không xác định được nơi cư trú trong thời gian thực hiện quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền;

+ Hỗ trợ gia đình giám sát, quản lý, giáo dục trẻ em;

+ Các biện pháp bảo vệ khác quy định tại các Điều 48 (Cấp độ phòng ngừa), Điều 49 (Cấp độ hỗ trợ) và Điều 50 (Cấp độ can thiệp) Luật Trẻ em 2016 khi xét thấy thích hợp.

- Trẻ em là người bị hại và trẻ em là người làm chứng mà bị tổn hại về thể chất, tinh thần được áp dụng các biện pháp bảo vệ cấp độ hỗ trợ quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 49 Luật Trẻ em 2016 và các biện pháp bảo vệ cấp độ can thiệp quy định tại Điều 50 Luật Trẻ em 2016.

- Trẻ em là người làm chứng được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư; hạn chế tối đa việc dẫn giải, gây áp lực về tâm lý.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 649

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn