Quy định về việc Chấp hành viên thi hành án dân sự tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Quốc Trình
01/08/2024 18:00 PM

Nội dung bài viên trình bày quy định về việc Chấp hành viên thi hành án dân sự tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự theo quy định pháp luật hiện hành.

Quy định về việc chấp hành viên thi hành án dân sự tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

Quy định về việc Chấp hành viên thi hành án dân sự tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự (Hình ảnh từ Internet)

1. Các trường hợp Chấp hành viên tạm giữ tài sản, giấy tờ để thi hành án dân sự

Theo Điều 18 Nghị định 62/2015/NĐ-CP thì việc  tạm giữ tài sản, giấy tờ để thi hành án dân sự được quy định như sau:

- Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu lực lượng công an hoặc tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ việc tạm giữ tài sản, giấy tờ để thi hành án.

- Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải ghi rõ tên người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ; loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ; số lượng, khối lượng, kích thước và các đặc điểm khác của tài sản, giấy tờ bị tạm giữ.

Tài sản tạm giữ là tiền mặt thì phải ghi rõ số lượng tờ, mệnh giá các loại tiền, nếu là ngoại tệ thì phải ghi là tiền nước nào và trong trường hợp cần thiết còn phải ghi cả số sê ri trên tiền.

Tài sản tạm giữ là kim khí quý, đá quý phải niêm phong trước mặt người bị tạm giữ tài sản hoặc thân nhân của họ. Trường hợp người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ hoặc thân nhân của họ không đồng ý chứng kiến việc niêm phong thì phải có mặt của người làm chứng.

Trên niêm phong phải ghi rõ loại tài sản, số lượng, khối lượng và các đặc điểm khác của tài sản đã niêm phong, có chữ ký của Chấp hành viên, người bị tạm giữ hoặc thân nhân của họ hoặc người làm chứng. Việc niêm phong phải ghi vào biên bản tạm giữ tài sản.

Tài sản, giấy tờ tạm giữ được bảo quản theo quy định tại Điều 58 Luật Thi hành án dân sự 2008.

- Khi trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ, Chấp hành viên yêu cầu người đến nhận xuất trình các giấy tờ chứng minh là người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ hoặc là người được người đó ủy quyền.

Chấp hành viên yêu cầu người đến nhận kiểm tra về số lượng, khối lượng, kích thước và các đặc điểm khác của tài sản, giấy tờ bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của thủ kho cơ quan thi hành án dân sự hoặc người được giao bảo quản.

Việc trả lại tài sản, giấy tờ phải lập thành biên bản.

- Trường hợp trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ mà đương sự không nhận thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự 2008.

2. Quy định về việc Chấp hành viên thi hành án dân sự tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

Theo Điều 68 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự 2014) quy định về việc tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự như sau:

- Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ.

- Quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải xác định rõ loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ. Chấp hành viên phải giao quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ cho đương sự hoặc tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng.

Trường hợp cần tạm giữ ngay tài sản, giấy tờ mà chưa ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì Chấp hành viên yêu cầu giao tài sản, giấy tờ và lập biên bản về việc tạm giữ.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Biên bản, quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

- Khi tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ; trường hợp người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho người quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ.

- Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.

Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV Luật Thi hành án dân sự 2008; trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn