Các hình thức phục hồi danh dự theo luật Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
12/09/2022 09:31 AM

Người bị kết án oan khi nào thì được phục hồi danh dự? Các hình thức phục hồi danh dự hiện nay được quy định thế nào? – Phi Sơn (Bình Thuận)

Các hình thức phục hồi danh dự theo luật Việt Nam

Các hình thức phục hồi danh dự theo luật Việt Nam

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ai được phục hồi danh dự?

Theo Điều 31 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, đối tượng được phục hồi danh dự bao gồm:

- Người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự;

- Công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật;

- Người bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trái pháp luật.

Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm chủ động thực hiện việc phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại nêu trên.

2. Các hình thức phục hồi danh dự

Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về các hình thức phục hồi danh dự như sau:

- Đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, việc phục hồi danh dự được thực hiện bằng các hình thức sau đây:

+ Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc tại nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại;

+ Đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.

- Đối với cá nhân là người bị thiệt hại trong trường hợp bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, việc phục hồi danh dự được thực hiện bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.

3. Phục hồi danh dự thông qua hình thức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai

Theo Điều 58 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, việc tổ chức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai để phục hồi danh dự được thực hiện như sau:

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dự quy định tại Điều 41 hoặc Điều 57 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm tổ chức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai;

- Thành phần tham gia buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai bao gồm:

+ Đại diện lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng;

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

4. Phục hồi danh dự thông qua hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai

Theo Điều 59 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, việc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai để phục hồi danh dự được thực hiện như sau:

- Đối với cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở trung ương:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dự quy định tại Điều 41 hoặc Điều 57 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở trung ương có trách nhiệm:

+ Đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên 01 tờ báo trung ương và 01 tờ báo địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại trong 03 số liên tiếp;

+ Đăng tải nội dung xin lỗi và cải chính công khai trên Cổng thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.

- Đối với cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở địa phương:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dự quy định tại Điều 41 hoặc Điều 57 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở địa phương có trách nhiệm:

+ Đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên 01 tờ báo cấp tỉnh tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại trong 03 số liên tiếp;

+ Đăng tải nội dung xin lỗi và cải chính công khai trên Cổng thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.

- Ngay sau khi đăng báo xin lỗi và cải chính công khai, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm gửi tờ báo đó tới người bị thiệt hại và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại để niêm yết công khai tại trụ sở.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,701

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn