Hoạt động thương mại là gì? 06 nguyên tắc trong hoạt động thương mại

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
20/08/2022 07:46 AM

Hoạt động thương mại là gì? Hoạt động thương mại phải tuân thủ những nguyên tắc nào? - Dương Minh (Cần Thơ)

Hoạt động thương mại là gì? 06 nguyên tắc trong hoạt động thương mại

Hoạt động thương mại là gì? 06 nguyên tắc trong hoạt động thương mại

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hoạt động thương mại là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm:

- Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán, bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận. (Theo khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005)

- Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán, bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận. (Theo khoản 9 Điều 3 Luật Thương mại 2005)

- Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại. (Theo khoản 10 Điều 3 Luật Thương mại 2005)

- Các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác bao gồm:

+ Gia công hàng hóa

+ Đấu giá hàng hóa

+ Đấu thầu hàng hóa, dịch vụ

+ Dịch vụ Logistics

+ Dịch vụ quá cảnh hàng hóa

+ Dịch vụ giám định

+ Cho thuê hàng hóa

+ Nhượng quyền thương mại,...

2. Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại

Theo Luật Thương mại 2005, có 6 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại được quy định từ Điều 10 đến Điều 15, cụ thể như sau:

- Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại (Điều 10): Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại.

- Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại (Điều 11)

+ Các bên có quyền tự do thỏa thuận nhưng không được trái quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.

+ Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.

- Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên (Điều 12): Trừ trường hợp có thoả thuận khác, các bên được phép áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại mà đã thiết lập từ lâu nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

- Nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại (Điều 13)

Trong trường hợp pháp luật không quy định, các bên không có thoả thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên thì áp dụng tập quán thương mại nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Luật Thương mại 2005 và trong Bộ luật dân sự 2015.

- Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng (Điều 14): Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó.

- Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại (Điều 15): Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 21,030

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn