Xử lý vi phạm PCCC trong đầu tư xây dựng chung cư (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 16 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013), trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình chung được quy định như sau:
- Chủ đầu tư thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; chỉ được thi công khi thiết kế về an toàn PCCC của công trình đã được duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng.
Trong quá trình thi công công trình, nếu có thay đổi thiết kế thì phải giải trình hoặc thiết kế bổ sung và phải được duyệt lại.
- Trong quá trình thi công công trình, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải bảo đảm an toàn về PCCC thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
- Trong quá trình sử dụng công trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thường xuyên kiểm tra, duy trì các điều kiện về PCCC.
Theo đó, chủ đầu tư dự án thực hiện thủ tục duyệt dự án, chỉ được thi công xây dựng khi thiết kế về an toàn PCCC của công trình đã được duyệt và tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng.
Trong trường hợp đưa vào sử dụng công trình chưa được nghiệm thu về PCCC thì sẽ thuộc các hành vi bị cấm theo luật phòng cháy chữa cháy.
Cụ thể tại Điều 38 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về việc quy định xử lý vi phạm PCCC trong đầu tư, xây dựng như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp và phương tiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công, xây dựng công trình theo quy định của pháp luật.
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Thi công không đúng theo thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt của cơ quan có thẩm quyền;
+ Cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng công trình hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC;
+ Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm duyệt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoặc giấy tờ khác liên quan đến công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Thi công công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC;
+ Chế tạo phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Khôi phục lại tính chất sử dụng công trình hoặc phương tiện giao thông cơ khí đã được cấp giấy chứng nhận hoặc theo văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
+ Dừng thi công công trình chưa được thẩm duyệt về quy định PCCC.
+ Tiêu hủy phương tiện giao thông cơ giới đã chế tạo khi chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
+ Buộc thực hiện nghiệm thu về PCCC đối với các hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
+ Buộc thực hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với các hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động cho chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
+ Buộc nộp lại giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm duyệt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoặc giấy tờ khác liên quan đến công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Trong trường hợp hành vi trên gây ra hậu quả thiệt hại người và tài sản, tùy theo mức độ thiệt hại thì chủ đầu tư có thể chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về PCCC.
Cụ thể tại Điều 313 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định như sau:
- Người nào vi phạm quy định về PCCC gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
+ Làm chết 02 người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
+ Làm chết 03 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Vi phạm quy định về PCCC trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, chủ đầu tư xây dựng dự án chung cư phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về PCCC. Nếu xảy ra thiệt hại về người và tài sản do hỏa hoạn gây ra thì phải chịu những mức xử lý theo quy định, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.