Hình ảnh thường thấy hằng ngày ở cổng TAND TP Hà Nội: người dân chờ đợi, năn nỉ bảo vệ cho vào tòa - Ảnh: Tâm Lụa
Hiến pháp và một số bộ luật tố tụng đều có quy định tòa án xét xử công khai, tuy nhiên người dân muốn đến xem xét xử tại TAND TP Hà Nội thì lại phải có giấy mời, giấy triệu tập hoặc phải năn nỉ lực lượng bảo vệ mới được phép vào xem xét xử.
Hơn hai năm trước, trả lời Tuổi Trẻ, lãnh đạo TAND TP Hà Nội lấy lý do vì trụ sở chật chội, đang xây dựng nên hạn chế người vào xem, nhưng đến nay trụ sở của TAND TP Hà Nội đã sửa chữa xong và được đưa vào sử dụng từ lâu nhưng việc hạn chế người dân vào xem xét xử ở đây vẫn tiếp diễn.
Mỗi buổi sáng, hình ảnh thường thấy tại cổng TAND TP Hà Nội là người dân đứng xếp hàng dài để đợi vào xem xét xử.
Ai có giấy mời, giấy triệu tập sẽ để lại giấy tờ tùy thân tại cổng, được phát thẻ ra vào cơ quan thì mới được vào tòa. Ai không có giấy mời, giấy triệu tập thì không được vào vì lý do an ninh, phòng xử chật.
Nhiều người rất bất ngờ vì họ từ các tỉnh xa về Hà Nội để xem xét xử người thân nhưng lại không được vào. Nhiều người không có giấy triệu tập phải năn nỉ lực lượng bảo vệ và công an để được vào xem xét xử...
Trong khi đó, ở các tòa án quận huyện thuộc TP Hà Nội, các tòa án tại các tỉnh phía Bắc người dân được tự do vào xem xét xử.
Một số tòa án như TAND quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) đảm bảo an ninh bằng cách tạm giữ giấy tờ tùy thân của người vào dự tòa, khi người dân dự tòa xong sẽ trả lại giấy tờ.
Ông Phạm Văn Hà, chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, cho biết ở tòa cấp cao, người dân có quyền vào tòa án để xem xét xử mà không bị hạn chế bởi giấy mời hoặc giấy triệu tập.
“Trước đây khi còn công tác ở TAND tỉnh Nghệ An, tôi vẫn chủ trương để người dân được ra vào tòa tự do xem xét xử. Việc cho người dân vào xem xét xử là điều hết sức bình thường vì đó là kênh tuyên truyền pháp luật rất hiệu quả” - ông Phạm Văn Hà chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo TAND TP Hà Nội cho biết TAND TP Hà Nội không cấm người dân vào tòa mà chỉ hạn chế vì phòng xử chật nên không thể cho vào hết được. Việc hạn chế người dân vào tòa, theo lý giải của lãnh đạo tòa này, là để đảm bảo trật tự, an ninh phiên tòa.
“Chúng tôi xử công khai chứ không xử kín nhưng việc công khai này có giới hạn vì phòng xử chật, không thể cho người dân vào hết. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì người dân có thể theo dõi trên các phương tiện truyền thông chứ không phải chỉ theo dõi ở tòa án” - vị lãnh đạo này nói.
TÂM LỤA
Theo Tuổi trẻ