Sa thải người lao động trái luật có thể bị phạt tù đến 3 năm

20/06/2016 09:08 AM

Bộ luật Hình sự 1999 đã có quy định về “Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật” nhưng chưa thật sự rõ ràng để kết tội. Tuy nhiên, tội danh này được quy định rất chi tiết trong Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016).

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên THƯ VIỆN PHÁP LUẬT, trước đây chưa có ai bị xử lý hình sự về tội sa thải lao động trái luật vì quy định mơ hồ. Nhưng với quy định chi tiết trong Bộ luật Hình sự 2015 thì việc quy tội cho các đối tượng trên sẽ dễ dàng hơn. Với hành vi sa thải lao động trái pháp luật, người ký quyết định sa thải có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng và phạt tù đến 3 năm.

Người ký quyết định sa thải lao động trái luật có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng và phạt tù đến 3 năm

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này của báo Dân trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh sẽ nói rõ hơn về hành vi sa thải lao động trái luật và các chế tài đối với hành vi này.

Thưa luật sư, vừa qua chương trình có nhận được câu hỏi của bạn đọc như sau: “Tôi bị công ty sa thải vì lý do nghi tôi trộm cắp sản phẩm của công ty. Trong khi tôi đã nhiều lần khẳng định là tôi không hề có trộm cắp và công ty cũng không có bằng chứng gì mà chỉ nghi ngờ thôi. Vậy công ty ra quyết định sa thải và cũng không hề tổ chức cuộc họp gì cả thì có đúng luật không?” . Xin luật sư giải đáp thắc mắc cho bạn đọc!

Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Điều 123 Bộ luật Lao động năm 2012 và được hướng dẫn tại Điều 30 Nghị định 05 năm 2015 của Chính phủ.

Theo đó, người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở; hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở đối với nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp. Thông báo này cũng phải được gửi cho người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi.

Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự như trên. Trường hợp người sử dụng lao động đã 3 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần trên không có mặt thì người sử dụng lao động tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động.

Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động và người lao động có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Như vậy, qua trình bày của bạn đọc này thì rõ ràng Công ty ra quyết định sa thải mà không tiến hành cuộc họp cũng như không chứng minh được lỗi của người lao động là trái luật.

Vậy công ty sa thải lao động trái luật có bị xử lý gì không, thưa luật sư?

Theo Điều 33 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định, trường hợp sa thải lao động trái pháp luật thì người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định ở trên thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo luật.

Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định ở trên, hai bên có thể thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm.

Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

luật sư nguyễn đức chánh

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, trước đây chưa có ai bị xử lý hình sự về tội sa thải lao động trái luật vì quy định mơ hồ. Nhưng với quy định chi tiết trong Bộ luật Hình sự 2015 thì việc quy tội cho các đối tượng trên sẽ dễ dàng hơn.

Vậy người ra quyết định sa thải có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không, thưa luật sư?

Điều 128 Bộ luật Hình sự 1999 có quy định về Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật.

Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Tuy nhiên, trên thực tiễn tôi chưa biết có trường hợp nào bị xử lý về tội danh này. Vì quy định trên không thật sự rõ ràng, rất khó xác định như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016) thì rõ ràng, chi tiết hơn.

Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sa thải lao động trái luật; ra quyết định thôi việc trái pháp luật; cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc… mà làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Hành vi này sẽ bị xử phạt nặng hơn, cụ thể là bị phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng; hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đối với 2 người trở lên.

- Đối với phụ nữ mà biết là có thai.

- Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát.

Vâng, xin cảm ơn THƯ VIỆN PHÁP LUẬT và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Ngọc Tiến (thực hiện)

Theo Dân trí

MỌI VƯỚNG MẮC VỀ VẤN ĐỀ NÀY, VUI LÒNG GỬI TẠI ĐÂY, ĐỂ ĐƯỢC LUẬT SƯ TƯ VẤN CỤ THỂ.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,083

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]