Làm rõ vụ gửi tiết kiệm 400.000 euro

17/03/2015 08:54 AM

Theo ngân hàng, sổ tiết kiệm không có tiền, không có trong hồ sơ lưu và công an đang rà soát toàn bộ hồ sơ vụ việc.

Liên quan đến vụ ông Dương Thanh Nghị xin rút 400.000 euro tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh Mạc Thị Bưởi, quận 1, TP.HCM, ông Nguyễn Hải Long - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết sổ tiết kiệm ông Nghị xuất trình không có tiền trong ngân hàng. Còn sổ tiết kiệm thế chấp vay vốn lại có đầy đủ chữ ký trên mọi giấy tờ… nên phải chờ cơ quan điều tra kết luận. Vì vậy yêu cầu rút tiền của ông Nghị chưa thể thực hiện.

Sổ tiết kiệm mang đến ngân hàng không có tiền

Theo thông tin Agribank phát đi chiều tối 16-3, ngày 2-2, ông Dương Thanh Nghị (Việt kiều, đang sinh sống tại Pháp, hiện cư trú tại Bà Rịa-Vũng Tàu) có mang sổ tiết kiệm số seri AM…680 đến Agribank Chi nhánh Mạc Thị Bưởi xin rút số tiền 400.000 euro. Qua đối chiếu sổ tiết kiệm ông Nghị đang giữ, số seri không khớp với số seri trên hồ sơ và phần mềm quản lý dữ liệu của Agribank. Mặt khác, sổ ông Nghị mang đến rút tiền không có tiền trong ngân hàng nhưng trên hồ sơ thể hiện ông Nghị có một sổ tiết kiệm khác có số seri AM…713 hiện đang thế chấp bảo đảm vay số tiền 10,4 tỉ đồng theo một hợp đồng tín dụng. Số tiền này đang được Agribank Chi nhánh Mạc Thị Bưởi phong tỏa để đảm bảo việc trả nợ của khoản vay. Tất cả hồ sơ vay vốn, nhận tiền, lãnh tiền có đầy đủ chữ ký của ông Nghị.

Ông Long thông tin thêm: Qua kiểm tra từ tháng 9-2014 đến nay, ông Nghị đã có nhiều giao dịch, lần đầu ông Nghị gửi ba, bốn sổ tiết kiệm rồi gộp lại một sổ, sau đó thế chấp vay tiền. Tất cả giao dịch của ông Nghị đều được thực hiện trực tiếp với Nguyễn Lê Kiều Quang (nguyên giám đốc Phòng giao dịch Hòa Hưng thuộc Chi nhánh Agribank Mạc Thị Bưởi) tại phòng làm việc riêng, không thông qua giao dịch viên. Ông Quang hiện đang bị công an truy nã về tội tham ô tài sản.

Sổ tiết kiệm 400.000 euro của ông Nghị và công văn trả lời của Ngân hàng Agribank Chi nhánh Mạc Thị Bưởi. Ảnh: HTD

“Nếu lỗi do ngân hàng gây ra thì chúng tôi phải trả tiền ngay. Tuy nhiên, hồ sơ vay vốn, thế chấp sổ tiết kiệm AM…713 có đầy đủ ba chữ ký, trong đó có chữ ký của ông Nghị trên tất cả chứng từ như giấy nộp tiền, chuyển tiền, hợp đồng, khế ước giải ngân nhận tiền… nên ông Nghị yêu cầu rút tiền cho sổ tiết kiệm số AM…680 không có tiền, không có trong hồ sơ lưu tại Agribank là chưa thực hiện được. Ngân hàng không thể vừa cho vay tiền lại vừa trả lại tiền cho cái sổ không có tiền được” - ông Long nói.

Công an đang làm rõ các quan hệ

Về sự việc trên, ngày 3-2, Agribank cũng đã đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC46) xác định quan hệ cá nhân giữa ông Quang và ông Nghị đối với khoản tiền gửi 400.000 euro.

Hiện vụ việc đang được Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) phối hợp cùng Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM làm rõ.

Được biết Agribank đã gửi bản phôtô hồ sơ liên quan đến việc thế chấp sổ tiết kiệm AM…713 của ông Nghị cho PC46 mà theo ông Nghị là vì tin tưởng, ông đã ký khống vào giấy trắng do ông Quang đưa. Đồng thời, PC46 tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Agribank cung cấp hồ sơ gốc để mang đi giám định chữ ký của ông Nghị.

Liên quan đến vụ việc ông Quang tham ô 17 tỉ đồng, hiện mọi hồ sơ liên quan đến các giao dịch của Phòng giao dịch Hòa Hưng trong thời gian ông Quang làm trưởng phòng đang được PC46 thu thập để điều tra. Đồng thời, Ngân hàng Agribank cũng rà soát lại toàn bộ các hồ sơ này.

Phải chờ công an có kết luận

Tôi cho rằng vụ việc này có liên quan đến ông Quang ôm số tiền lớn bỏ trốn nên rất nhiều nghi vấn đặt ra. Nhưng phải phân biệt hai khái niệm “sự kiện có vấn đề” chứ không phải “bản thân ông Nghị đang có vấn đề” để tránh phản ứng không tốt từ phía người gửi tiền.

Việc ngân hàng chưa cho ông Nghị rút tiền để chờ kết quả điều tra là hoàn toàn đúng, có lý và là thủ tục cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn cho cả ông Nghị. Bởi như ông trình bày, sở dĩ ông gửi tiền là do thân thiết với ông Quang, trong khi ông không biết bằng cách nào đó số tiền của ông lại có tới hai sổ khác nhau, một sổ đã dùng để thế chấp. Hơn nữa, vụ án của ông Quang đã được khởi tố, đang nằm trong vòng tố tụng của một vụ án hình sự. Theo nguyên tắc, khi một sự kiện có liên quan đến vụ án thì người ta sẽ phải xác minh làm rõ là điều đương nhiên, nhất là có dấu hiệu liên quan đến tội phạm và bất cứ công dân nào có dấu hiệu liên quan đến tội phạm cũng cần phải làm rõ.

Về phía ngân hàng họ cũng không biết được bản chất của sự bất thường này (có hai sổ tiết kiệm) là gì nên trước mắt không thể trả tiền cho khách vì nếu sau này có hậu quả gì thì ai chịu trách nhiệm. Chúng ta không nên nghĩ ngân hàng làm khó mà phải coi đó một vấn đề liên quan đến tội phạm cần phải làm sáng tỏ, lỗi của ai chưa biết nhưng việc giải mã sự bất thường là cần thiết.

Theo tôi, ông Nghị nên tích cực hợp tác với phía ngân hàng và cơ quan điều tra, nộp tất cả giấy tờ có liên quan đến tài khoản của mình và trình bày chính xác các chi tiết liên quan trước đó. Nếu việc mờ ám trên không phải do lỗi của ông thì sau khi công an có kết luận, ông sẽ được rút tiền bình thường.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Y.TRANG - T.KHUÊ - T.PHƯƠNG

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,879

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn