Rửa tiền là gì? Trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền (ảnh minh họa)
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền 2012, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.
Căn cứ quy định tại Luật Phòng chống rửa tiền 2012 và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), các hành vi được quy định là rửa tiền bao gồm:
- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
- Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;
- Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.
Trong đó:
- Tiền sử dụng trong hoạt động rửa tiền bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ; có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản.
- Tài sản trong hoạt động rửa tiền bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.
(Theo khoản 1, 2 Điều 1 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP)
Cá nhân phạm tội rửa tiền sẽ bị truy cứu TNHS về tội rửa tiền theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 324 BLHS 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể:
- Người nào thực hiện một trong các hành vi được xem là rửa tiền nêu trên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Người phạm tội rửa tiền bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi thêm một trong những dấu hiệu sau:
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
+ Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
+ Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
Đối với tội rửa tiền, người chuẩn bị phạm tội cũng sẽ có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra, áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội rửa tiền như sau: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Mức phạt đối với pháp nhân phạm tội rửa tiền được quy định tại khoản 6 Điều 324 BLHS 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể:
- Đối với pháp nhân phạm tội rửa tiền, mức phạt cao nhất có thể áp dụng là bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.
- Đối với pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Như Mai