Chính sách mới >> Tham nhũng 29/06/2021 08:24 AM

Đề xuất sửa Nghị định 59/2019 hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
29/06/2021 08:24 AM

Thanh tra Chính phủ đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đề xuất sửa Nghị định hướng dẫn Luật Phòng chống tham nhũng

Đề xuất sửa Nghị định hướng dẫn Luật Phòng chống tham nhũng (Ảnh minh họa)

Trong quá trình thực hiện, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phản ánh ý kiến của cử tri cho rằng, việc đính chính Nghị định 59/2019/NĐ-CP chỉ có 01 mục là đính chính về lỗi chính tả, còn 04 mục là đính chính sai sót về nội dung là chưa phù hợp.

Do đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải sửa đổi, bổ sung bằng một văn bản quy phạm pháp luật khác. Qua công tác giám sát và trả lời kiến nghị của cử tri, Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng việc đính chính nêu trên là không phù hợp nên đề nghị Chính phủ thu hồi Công văn 298/CP-V.I ngày 22/7/2019 và ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2019/NĐ-CP.

Thanh tra Chính phủ nhận thấy ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hợp lý.

Để đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung Nghị định được kịp thời, đúng quy định của pháp luật, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 44 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020), sau khi trao đổi, thống nhất với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ đã có Công văn 87/TTCP-PC ngày 11/01/2021, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2019/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ngày 22/01/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 536/VPCP-V.I thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhất trí với kiến nghị nói trên của Thanh tra Chính phủ.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2019/NĐ-CP là cần thiết và được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Một số nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2019/NĐ-CP

(1) Tại điểm i khoản 1 Điều 1 Nghị định 59/2019/NĐ-CP đã viết: “Điều 94 về xử lý hành vi vi phạm khác về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Dự thảo Nghị định sửa đổi lại như sau: “Điều 94 về xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Việc sửa đổi như vậy để đảm bảo thống nhất  với tên Điều 94 Luật Phòng, chống tham nhũng được quy định chi tiết.

(2) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 21 như sau: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đánh giá của ngành, cấp mình và gửi kết quả đánh giá để Thanh tra Chính phủ thẩm định, tổng hợp”.

Quy định này xuất phát từ thực tiễn, từ 2016 đến nay, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thí điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá, tài liệu hướng dẫn. Các địa phương đều đã triển khai thực hiện, xây dựng hồ sơ và có báo cáo tự đánh giá. Thực tế triển khai những năm qua cho thấy, tình trạng tự đánh giá của các địa phương còn thiếu chính xác, thiếu căn cứ, vượt quá kết quả đạt được thực tế diễn ra khá phổ biến.

Hàng năm, Thanh tra Chính phủ đều phải thẩm định lại kết quả đánh giá của các địa phương, rà soát hồ sơ, đối chiếu những căn cứ, bằng chứng cụ thể để bảo đảm tính chính xác, khách quan, thực chất của kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của các địa phương. Cách làm này, vừa đề cao trách nhiệm của các địa phương, vừa đề cao vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong công quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh hàng năm đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho các địa phương, có tác dụng tốt đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Sau khi được Thanh tra Chính phủ thẩm định lại kết quả đánh giá, chỉ ra những sai sót trong việc đánh giá, các địa phương đều tiếp thu và chấp thuận kết quả đánh giá của Thanh tra Chính phủ kể cả những trường hợp có sự thay đổi lớn so với kết quả tự đánh giá của địa phương.

Tuy nhiên, Điều 21 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định các bộ, ngành, địa phương gửi kết quả đánh giá cho Thanh tra Chính phủ để tổng hợp mà không quy định việc Thanh tra Chính phủ thẩm định kết quả đánh giá sẽ dẫn đến việc chấm điểm mang tính hình thức; sẽ có những địa phương vì thành tích mà tự đánh giá không chính xác, khách quan, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng nói chung.

Để khắc phục vấn đề này, năm 2020 và 2021 Thanh tra Chính phủ báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc thẩm định nêu trên. Nhưng việc chỉ đạo công tác thẩm định của Thủ tướng trong năm 2020 và 2021 chỉ mang tính cá biệt, chưa thống nhất với quy định của Chính phủ và chưa bảo đảm đầy đủ yếu tố pháp lý để Thanh tra Chính phủ thực hiện thường xuyên, lâu dài.

Do vậy, để có cơ sở cho việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng được chính xác, khách quan và thực chất, Thanh tra Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 59/2019/NĐ-CP theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc thẩm định lại kết quả tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các bộ ngành, địa phương trước khi tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, phù hợp với thực tiễn và đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng.

(3) Tại Khoản 2 Điều 34 Nghị định 59/2019/NĐ-CP: “Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều này thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý người có chức vụ, quyền hạn quyết định đình chỉ công tác thực hiện nhiệm vụ, công vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn”.

 Dự thảo Nghị định sửa đổi như sau: “Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều này thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý người có chức vụ, quyền hạn quyết định đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn.”

Việc sửa đổi, thay cụm từ “công tác” bằng từ “việc” để đảm bảo chính xác về mặt ngữ nghĩa mà không làm thay đổi nội dung của điều khoản.

Xem chi tiết nội dung tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2019/NĐ-CP.

Tài liệu thẩm định dự thảo Nghị định

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 40,305

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]