Tại buổi họp báo, đại diện EVN cho rằng,
theo Quyết định 69 của Chính phủ về giá điện theo cơ chế thị trường, nếu chi
phí đầu vào tăng 7%, Tập đoàn sẽ phải báo cáo Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện,
nếu trên 10% thì Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến nay, chi phí đầu vào của EVN đã tăng trên 12% và gần 2 năm nay, các thông số đầu vào như dầu, khí, than liên tục tăng. Thuế tài nguyên nước tăng từ 2-4%, giá mua điện của các thủy điện nhỏ cũng tăng. EVN phải tiếp nhận lưới điện nông thôn, thực hiện trồng bù rừng khiến tổng chi phí đầu vào tăng, nhưng giá bán lẻ điện lại không tăng.
Năm 2014, EVN đã nhiều lần trình Bộ Công Thương điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện, nhưng do nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn nên Bộ Công Thương chưa chấp thuận.
Cũng theo Tập đoàn này, nếu không điều chỉnh giá điện, năm 2015 EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng và không thể đầu tư phát triển sản xuất và cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước. Nếu giá bán điện tăng 7,5% từ 16/3 thì doanh thu của tập đoàn này tăng thêm khoảng 13.000 tỷ đồng, đủ bù đắp chi phí thực tế.
PV