Chính sách mới >> Tài chính 27/02/2024 18:15 PM

Xây dựng khung pháp lý với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
27/02/2024 18:15 PM

Có phải sắp tới sẽ xây dựng khung pháp lý với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo phải không? Cụ thể ra sao? – Hoàng Nam (Bình Dương)

Xây dựng khung pháp lý với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo

Xây dựng khung pháp lý với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Xây dựng khung pháp lý với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo

Ngày 23/02/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 194/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong đó, có xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ. Cụ thể như sau:

- Xây dựng khung pháp lý đối với VAs và VASPs (tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo) và chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó, bao gồm:

+ Nâng cao hiểu biết của cơ quan quản lý, giám sát hiểu rõ rủi ro trong Iĩnh vực này

+ Đào tạo, phổ biến nâng cao hiểu biết, nghĩa vụ của VASP về PCRT / TTKB / TTPBVKHDHL.

- Có các biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo.

- Giao cho Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo. Các bộ, ngành có liên quan phối hợp triển khai theo lĩnh vực quản lý và chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Thời hạn xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo là tháng 5/2025.

Khái niệm tài sản ảo

Thế giới hiện nay chưa có định nghĩa thống nhất về tài sản ảo cả về thuật ngữ và nội hàm, tuy nhiên, theo định nghĩa của Tổ chức quốc tế về Tiêu chuẩn hóa (ISO), tài sản ảo (virtual asset hay virtual property) là biểu hiện của tài sản trong không gian mạng (cyberspace), tức trong môi trường phức hợp được hình thành bởi sự tương tác của người sử dụng, phần mềm và các dịch vụ trên internet thông qua các thiết bị kỹ thuật và mạng lưới được kết nối. Tài sản ảo còn có biểu hiện là một dạng tài sản số (digital asset). Theo Luật mẫu về tài sản số của Ủy ban Thống nhất pháp luật Hoa Kỳ, tài sản số là bản ghi điện tử (electronic record) xác nhận quyền hay lợi ích của một người.

Dưới góc độ kỹ thuật, “tài sản ảo” hay “tài sản kỹ thuật số” là loại tài sản ảo sử dụng công nghệ blockchain hay công nghệ sổ cái phân tán (DLT) cùng công nghệ mã hóa để tạo lập và xác thực giao dịch một cách minh bạch, bảo mật, đáng tin cậy. Chính vì vậy, IMF sử dụng thuật ngữ tài sản mã hóa (crypto asset) để chỉ tài sản mã hóa, tài sản ảo hay tài sản kỹ thuật số.

(Nguồn Cao Xuân Phong, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam)

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo

Trước đó, liên quan đến tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo ở Việt Nam thì ngày 21/08/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo với các nhiệm vụ sau đây:

- Rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan

- Rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử

- Lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo

- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo

- Nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo

- Nghiên cứu, lập đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo.

Việc hoàn thiện khung pháp lý với tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo hướng tới 3 mục tiêu sau đây:

- Nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ với tài sản thực, tiền thực; vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo tới pháp luật

- Rà soát, đánh giá thực trạng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo của Việt Nam; kinh nghiệm điều chỉnh của nước ngoài và tác động tới hệ thống pháp luật liên quan của Việt Nam nhằm nhận diện và xác định thái độ của cơ quan nhà nước đối với các vấn đề pháp lý liên quan; đề xuất các nhiệm vụ, công việc cụ thể và những định hướng để xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhằm đảm bảo tương ứng với các rủi ro liên quan để kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro này nhưng không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi trong sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, thương mại điện tử

- Phân công trách nhiệm, lộ trình thực hiện cho các Bộ, ngành liên quan để xử lý các vấn đề liên quan đặt ra.

Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. Trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát, xử lý các giao dịch liên quan tới tiền ảo như sau:

- Các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế.

- Các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo, các tổ chức có hoạt động xử lý giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo và có biện pháp xử lý đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và quản lý ngoại hối.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,152

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn