Chính sách mới >> Tài chính 30/11/2023 17:03 PM

Những lưu ý về khoản vay nước ngoài theo Thông tư 08/2023/TT-NHNN

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
30/11/2023 17:03 PM

Xin cho tôi hỏi khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam được quy định thế nào theo Thông tư 08/2023/TT-NHNN? Ngoài ra, còn có những lưu ý gì đối với khoản vay nước ngoài nữa không? – Thế Mạnh (TP.HCM)

Những lưu ý về khoản vay nước ngoài theo Thông tư 08/2023/TT-NHNN

Những lưu ý về khoản vay nước ngoài theo Thông tư 08/2023/TT-NHNN (Hình từ internet)

Những lưu ý về khoản vay nước ngoài theo Thông tư 08/2023/TT-NHNN

1. Thay đổi về trường hợp được thực hiện khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 12/2014/TT-NHNN về khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô;

- Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vay từ nguồn lợi nhuận được chia bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay;

- Các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp.

Tuy nhiên, đối với Thông tư 08/2023/TT-NHNN, quy định về “các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp” đã được loại bỏ, thay vào đó là trường hợp “Bên đi vay rút vốn, trả nợ bằng đồng ngoại tệ và nghĩa vụ nợ của khoản vay được xác định bằng đồng Việt Nam” (điểm c khoản 2 Điều 10 Thông tư 08/2023/TT-NHNN).

Đây là một quy định mới và là một tính hiệu tích cực tạo sự linh hoạt cho các bên trong giao dịch vay.

Mặt khác, vì Thông tư 08/2023/TT-NHNN đã loại bỏ quy định về “các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp” đối với khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam. Do đó, quy định tương ứng khi doanh nghiệp đăng ký khoản vay nước ngoài cũng bị bãi bỏ, cụ thể:

Điểm a khoản 4 Điều 21 Thông tư 08/2023/TT-NHNN đã bãi bỏ điểm c khoản 3 Điều 15, khoản 5 Điều 15, khoản 10 Điều 16, khoản 3 Điều 20 Thông tư 12/2014/TT-NHNN và cụm từ “trừ các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận” tại điểm b khoản 1 Điều 20 Thông tư 12/2022/TT-NHNN.

2. Quy định rõ ràng về mục đích vay ngắn hạn nước ngoài

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư 08/2023/TT-NHNN thì mục đích vay ngắn hạn nước ngoài cụ thể như sau:

- Bên đi vay chỉ được sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài và thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền (không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước) của bên đi vay. Các khoản nợ ngắn hạn phải trả quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư 08/2023/TT-NHNN là các khoản nợ phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của bên đi vay và được xác định căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp;

- Ngoài mục đích quy định lại điểm a khoản 1 Điều 17 Thông tư 08/2023/TT-NHNN, bên đi vay thuộc đối tượng phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính theo pháp luật chuyên ngành được sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài để phục vụ hoạt động nghiệp vụ của bên đi vay có thời hạn sử dụng vốn không quá 12 tháng kể từ thời điểm rút vốn khoản vay nước ngoài.

Như vậy, ngoài việc doanh nghiệp có thể vay ngắn hạn nước ngoài để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài thì doanh nghiệp còn có thể thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền (không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước) của bên đi vay.

Trong đó, các khoản nợ ngắn hạn phải trả được hiểu là các khoản nợ phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của bên đi vay và được xác định căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp.

3. Giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024

Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định về giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài cụ thể như sau:

Bên đi vay chỉ được vay ngắn hạn nước ngoài trong trường hợp đáp ứng giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài tại thời điểm 31/12 của năm liền trước thời điểm phát sinh khoản vay. Giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài là tỷ lệ tối đa tổng dư nợ gốc của các khoản vay ngắn hạn nước ngoài tính trên vốn tự có riêng lẻ, áp dụng với các đối tượng cụ thể như sau:

- 30% đối với ngân hàng thương mại;

- 150% đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng khác.

Thông tư 08/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/8/2023, trừ quy định về giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài quy định tại Điều 15 Thông tư 08/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.

Phan Thanh Thảo

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,811

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn