Chính sách mới >> Tài chính 09/11/2023 13:46 PM

Tài sản ròng là gì? Quy định về tài sản ròng trong chứng khoán

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
09/11/2023 13:46 PM

Tài sản ròng là thuật ngữ thường nhắc đến trong các báo cáo tài chính, hoạt động chứng khoán. Vậy tài sản ròng là gì và xác định giá trị tài sản ròng trong đầu tư chứng khoán như thế nào?

Một số điều cần biết về tài sản ròng

Một số điều cần biết về tài sản ròng (Hình từ internet)

Tài sản ròng là gì?

Có thể hiểu, tài sản ròng là tài sản hiện có của một cá nhân, tổ chức,… sau khi đã trừ đi các khoản nợ của chủ thể đó.

Tài sản ròng có thể là tiền mặt, bất động sản, nhà xưởng, máy móc, công nghệ, các khoản đầu tư,…

Còn các khoản nợ của chủ thể có thể là các khoản nợ vay ngân hàng, nợ trả góp, nợ ký quỹ,…

Tài sản ròng trong chứng khoán thể hiện tình hình tài chính, từ đó, thông tin tài sản ròng giúp nhà đầu tư hình dung được giá trị thực tế của mã cổ phiếu/công ty trên thị trường. Hoặc tài sản ròng cũng phản ánh giá trị tài sản chứng khoán của một cá nhân.

Các loại tài sản ròng

Một số loại tài sản ròng có thể kể đến như:

Tài sản ngắn hạn

Tài sản ngắn hạn là loại tài sản có thời gian sử dụng thấp, thường dưới 12 tháng hoặc trong 1 chu kỳ kinh doanh. Giá trị tài sản ngắn hạn thường khá thấp, thường xuyên thay đổi hình thái trong quá trình sử dụng.

Tài sản ngắn hạn bao gồm các loại cụ thể như: Tiền và tài sản tương đương tiền, khoản đầu tư ngắn hạn, hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn đang bị các đơn vị và tổ chức khác chiếm dụng, các khoản ký quỹ…

Tài sản dài hạn

Tài sản dài hạn là có thời gian sử dụng dài trên 12 tháng, được dùng trong nhiều chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Giá trị tài sản dài hạn thường khá lớn, ít thay đổi hình thái trong quá trình sử dụng, vận hành. Tài sản dài hạn cụ thể có thể được xác định dưới các hình thái:

Tài sản cố định: Loại tài sản có giá trị lớn, thời gian sử dụng lâu dài hơn 12 tháng. Tài sản cố định tham gia vào nhiều chu trình kinh doanh và bị hao mòn dần trong quá trình sử dụng. Luật kinh tế có quy định rõ ràng về điều kiện đánh giá tài sản cố định. Hiện nay, có 2 loại tài sản cố định chính: Tài sản cố định hữu hình (nhà cửa, thiết bị, máy móc, nhà xưởng…) và tài sản cố định vô hình (bản quyền, quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác…).

Đầu tư tài chính dài hạn: Khoản đầu tư bên ngoài với mục đích kiếm lời trong dài hạn (đầu tư liên kết, liên doanh, cho vay dài hạn…).

Bất động sản đầu tư: Khoản đầu tư nhà đất với mục đích kiếm lời của doanh nghiệp.

Các khoản phải thu dài hạn: Tài sản đang bị đơn vị khác chiếm dụng, nắm giữ với thời gian trên 1 năm.

Tài sản dài hạn khác có thể kể đến các khoản ký cược dài hạn, chi phí trả trước dài hạn…

Cách tính giá trị tài sản ròng

Theo như định nghĩa và ý nghĩa đã phân tích ở trên, giá trị tài sản ròng được tính như sau:

Giá trị tài sản ròng = Tổng tài sản sở hữu - Tổng nợ phải trả

Trong đó:

Tổng tài sản: các khoản đầu tư, tài sản cá nhân, tài sản lưu động, các khoản cho vay, vàng, đất đai, xe cộ, cơ sở vật chất,

Tổng nợ phải trả: các khoản vay như vay thế chấp, vay trả góp, vay tín dụng, vay cá nhân,...

Quy định về giá trị tài sản ròng trong Quỹ đầu tư chứng khoán

Theo Thông tư 98/2020/TT-BTC, giá trị tài sản ròng tham chiếu trên một đơn vị quỹ ETF (iNAV) là giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ ETF được xác định trong phiên giao dịch.

Giá trị tài sản ròng, giao dịch tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán được đề cập như sau:

- Công ty quản lý quỹ xác định hoặc ủy quyền cho ngân hàng lưu ký thực hiện cung cấp dịch vụ quản trị quỹ định kỳ hàng tháng xác định giá trị tài sản ròng của quỹ và giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ. Việc xác định giá trị tài sản ròng của quỹ thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 8 Điều 20 Thông tư 98/2020/TT-BTC. Danh sách các tổ chức báo giá, sổ tay định giá phải được Ban đại diện quỹ phê duyệt.

- Khi thực hiện các giao dịch mua, bán tài sản cho quỹ thành viên, công ty quản lý quỹ phải tuân thủ các quy định tại Điều 21 Thông tư 98/2020/TT-BTC.

Giá trị tài sản ròng của quỹ đầu tư chứng khoán

1. Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm xác định giá trị tài sản ròng của quỹ, giá trị tài sản ròng trên một lô chứng chỉ quỹ ETF và giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ, trong đó:

- Giá trị tài sản ròng của quỹ được xác định bằng tổng giá trị tài sản trừ đi tổng nợ phải trả của quỹ. Tổng giá trị tài sản của quỹ được xác định theo giá thị trường hoặc giá trị hợp lý của tài sản (trong trường hợp không xác định được giá thị trường). Tổng nợ phải trả của quỹ là các khoản nợ hoặc nghĩa vụ thanh toán của quỹ tính đến ngày gần nhất trước ngày định giá. Giá trị tài sản ròng được làm tròn theo quy định trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Phần dư phát sinh từ việc làm tròn giá trị tài sản ròng của quỹ được hạch toán vào quỹ. Phương pháp xác định giá thị trường, giá trị hợp lý các tài sản có trong danh mục, giá trị các khoản nợ và nghĩa vụ thanh toán thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này và quy định nội bộ tại sổ tay định giá hoặc được Ban đại diện quỹ chấp thuận bằng văn bản. Bất động sản phải được định giá tối thiểu một lần trong năm;

- Giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ bằng giá trị tài sản ròng của quỹ chia cho tổng số chứng chỉ quỹ đang lưu hành;

- Giá trị tài sản ròng trên một lô chứng chỉ quỹ ETF bằng giá trị tài sản ròng của quỹ chia cho tổng số lô chứng chỉ quỹ.

2. Công ty quản lý quỹ phải xây dựng sổ tay định giá bao gồm tối thiểu những nội dung sau:

- Nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn, thay đổi các tổ chức cung cấp báo giá. Các tổ chức cung cấp báo giá không phải là người có liên quan của công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát;

- Nguyên tắc, quy trình thực hiện và các phương pháp định giá tài sản của quỹ. Các nguyên tắc, quy trình thực hiện và các phương pháp định giá phải rõ ràng, hợp lý, phù hợp với quy định pháp luật và Điều lệ quỹ.

3. Sổ tay định giá, danh sách tối thiểu 03 tổ chức cung cấp báo giá không phải là người có liên quan của công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát, phải được Ban đại diện quỹ phê duyệt và cung cấp cho ngân hàng giám sát để giám sát việc tính toán giá trị tài sản ròng.

4. Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm:

- Xác định giá trị tài sản ròng, giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ của quỹ đóng định kỳ tối thiểu một lần trong một tuần;

- Xác định giá trị tài sản ròng, giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ của quỹ mở theo ngày giao dịch, đảm bảo tối thiểu một lần trong một tuần;

- Xác định giá trị tài sản ròng, giá trị tài sản ròng trên một lô chứng chỉ quỹ, giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ của quỹ ETF hàng ngày.

5. Giá trị tài sản ròng của quỹ, giá trị tài sản ròng trên một lô chứng chỉ quỹ, giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ phải được ngân hàng giám sát xác nhận. Việc xác nhận giá trị thực hiện bằng văn bản hoặc truy xuất thông qua hệ thống thông tin điện tử của ngân hàng giám sát đã được công ty quản lý quỹ chấp thuận.

6. Các giá trị tài sản ròng theo quy định tại khoản 4, 5 phải được công bố trên các trang thông tin điện tử của công ty quản lý quỹ, Sở giao dịch chứng khoán. Việc công bố giá trị tài sản ròng cho nhà đầu tư được thực hiện tại ngày làm việc tiếp theo của ngày định giá. Nội dung thông tin về giá trị tài sản ròng thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XXIV ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Công ty quản lý quỹ hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ tính giá trị tài sản ròng tham chiếu được công ty quản lý quỹ ủy quyền có trách nhiệm xác định iNAV trên cơ sở giá thị trường của chứng khoán cơ cấu từ giao dịch được thực hiện gần nhất. iNAV chỉ là giá trị tham chiếu, không phải là giá trị để xác định giá giao dịch. iNAV được cập nhật tối thiểu 15 giây một lần và được công bố trên các trang thông tin điện tử của công ty quản lý quỹ hoặc hệ thống của Sở giao dịch chứng khoán.

8. Công ty quản lý quỹ được ủy quyền cho ngân hàng giám sát xác định giá trị tài sản ròng của quỹ, giá trị tài sản ròng trên một lô chứng chỉ quỹ, giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ. Trong trường hợp này, công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát phải có cơ chế và quy trình đối chiếu, soát xét, kiểm tra, giám sát bảo đảm hoạt động xác định giá trị tài sản ròng được tính chính xác và phù hợp Điều lệ quỹ, sổ tay định giá và các quy định của pháp luật.

9. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện giá trị tài sản ròng bị định giá sai, ngân hàng giám sát phải thông báo và yêu cầu công ty quản lý quỹ kịp thời điều chỉnh hoặc ngược lại trong trường hợp ngân hàng giám sát cung cấp dịch vụ xác định giá trị tài sản ròng.

10. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện giá trị tài sản ròng bị định giá sai, công ty quản lý quỹ hoặc ngân hàng giám sát (trong trường hợp ngân hàng giám sát cung cấp dịch vụ xác định giá trị tài sản ròng) phải điều chỉnh lại và công bố thông tin theo quy định, đồng thời thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc định giá sai, bao gồm nguyên nhân xảy ra sự việc, thời gian bị định giá sai, biện pháp xử lý. Nội dung thông báo phải được công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát cùng ký xác nhận.

11. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày giá trị tài sản ròng của quỹ giảm xuống dưới 30 tỷ đồng, công ty quản lý quỹ phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đề xuất phương án khắc phục.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,402

Bài viết về

lĩnh vực Chứng khoán

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn