Chính sách mới >> Tài chính 06/09/2012 08:11 AM

06/09/2012 08:11 AM

Trong khi doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2012 tăng 12,68%, thì doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới chỉ tăng 2,22% so với cùng kỳ năm 2011.

6 tháng đầu năm nay, chi phí bồi thường bảo hiểm xe cơ giới xấp xỉ doanh thu

Doanh thu tăng chậm không chỉ phát sinh từ sự ảm đạm của thị trường ô tô khi số lượng xe bán mới giảm đến 41% so với cùng kỳ năm 2011, mà còn vì nhiều nguyên nhân khác.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm, 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 12,68%. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh lạc quan này là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khi các công ty bảo hiểm đua nhau hạ phí và mở rộng phạm vi bảo hiểm để hút khách. Hậu quả là đã có những công ty bắt đầu “đuối sức” trong cuộc chiến cam go này. Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới luôn là một trong những nghiệp vụ cho doanh thu phí cao nhất thì giờ đây, nhiều DN đã phải hạn chế việc khai thác mới để “cắt lỗ”.

Với doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới 6 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 2,22% so với cùng kỳ năm 2011, tỷ trọng của sản phẩm này chỉ còn 27,5% so với mức 30,3% của 6 tháng đầu năm 2011. Nhiều công ty có doanh thu phí bảo hiểm ô tô giảm mạnh như VNI (- 53%), Bảo Ngân (- 42%), Bảo Long (-39%), Viễn Đông (-29%), PVI (-16%), AAA (-14%), Bảo Minh (- 4%)… Liberty - DN bảo hiểm 100% vốn nước ngoài có thương hiệu mạnh nhờ sản phẩm bảo hiểm xe ô tô một vài năm gần đây, cũng đang hướng chiến lược sang đẩy mạnh phát triển các nghiệp vụ bảo hiểm khác như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm du lịch…

Thực tế, tỷ lệ bồi thường trung bình của nghiệp vụ này là khoảng 50%, nhưng ở một số DN bảo hiểm, tỷ lệ bồi thường đã lên tới 60%, thậm chí hơn 90%. Hiệp hội Bảo hiểm cho biết, doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới 6 tháng đầu năm 2012 là 3.168 tỷ đồng, trong đó đã giải quyết bồi thường là 1.565 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại diện một DN bảo hiểm nước ngoài, những tai nạn đã xảy ra mới gửi yêu cầu bồi thường, hoặc đang trong quá trình giám định tổn thất, thu thập hồ sơ bồi thường, đang trong quá trình sửa chữa, hư hại được gọi là dự phòng bồi thường trong 6 tháng đầu năm ước tính khoảng 1.400 tỷ đồng. Như vậy, chi phí bồi thường đã xấp xỉ doanh thu. Nếu tính thêm chi phí khai thác và quản lý của công ty bảo hiểm thì có thể nói là nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đang lỗ nặng.

Theo một chuyên gia trong ngành, sở dĩ tỷ lệ bồi thường cao do cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp, ý thức người tham gia giao thông kém, thời tiết thất thường, cộng thêm tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng phổ biến, đang khiến các công ty bảo hiểm tại Việt Nam trở nên “rụt rè” hơn với bảo hiểm xe cơ giới, mặc dù đến thời điểm này bảo hiểm xe cơ giới vẫn là một sản phẩm chủ lực của nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ.

Nguyên nhân khác nữa khiến nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ đang trong tình cảnh “đi mắc núi, ở lại mắc sông” với bảo hiểm xe cơ giới là từ những năm trước, do sự cạnh tranh gay gắt, nhiều DN bảo hiểm đã liên tục giảm phí bảo hiểm và buông lỏng hoạt động bồi thường nhằm thu hút khách hàng. Có thể nói, với nhiều trường hợp, bảo hiểm xe cơ giới đang được bán "dưới giá". Lỗ trong nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới cũng bắt nguồn từ đây. “Khi nhìn vào tình trạng một bộ phận lớn DN có doanh thu phí bảo hiểm ô tô giảm mạnh thì không chỉ do thị trường khó khăn, mà còn vì họ muốn siết chặt nghiệp vụ này”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Cho đến hiện tại, dù lỗ nhưng bảo hiểm xe cơ giới vẫn còn được coi là nghiệp vụ chủ lực của nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ, vì nghiệp vụ này vẫn giúp mang lại doanh thu và thị phần. Vì vậy, một số DN vẫn tìm cách duy trì và đẩy mạnh. Tuy nhiên, ghi nhận của ĐTCK từ một số DN cho thấy, các DN sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh bằng cách giảm phí. Thậm chí, khả năng tăng phí bảo hiểm ô tô trong thời gian tới chỉ còn là chuyện sớm muộn. Và cũng đến lúc thị trường phải chấp nhận việc điều chỉnh phí bảo hiểm một cách linh động theo tỷ lệ tổn thất. Vì nếu không, khách hàng sẽ còn rất ít sự lựa chọn khi một số công ty buộc phải “rút chân” ra khỏi thị trường bảo hiểm xe cơ giới.

Theo Ngọc Lan

ĐTCK

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,212

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn