Chính sách mới >> Tài chính 12/12/2011 14:12 PM

12/12/2011 14:12 PM

Tái cấu trúc ngân hàng trở thành chủ đề nóng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, vấn đề ít được đề cập chính là cần phải minh bạch hóa các hoạt động cho vay. Đây là yếu tố quan trọng để kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm thiểu tình trạng cho vay rủi ro.


Rủi ro đạo đức: nguồn gốc gia tăng nợ xấu


Gần đây, khi nói đến rủi ro của hệ thống ngân hàng, người ta thường nhắc đến những ngân hàng nhỏ, vốn ít, quản trị yếu kém… Điều này đúng, nhưng chưa đủ để miêu tả toàn bộ bức tranh về rủi ro của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trên thực tế, nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng rủi ro là do cho vay thiếu minh bạch.

Tiền tệ được xem là huyết mạch của nền kinh tế, còn ngân hàng là nơi tạo ra dự trữ và bơm máu. Chính vì ngân hàng có vai trò quan trọng như vậy, nên hầu hết các tổ chức kinh tế đều muốn sở hữu ngân hàng làm “sân sau” để cung cấp “nguồn dinh dưỡng” cho mình. Trên thế giới, tại Hàn Quốc, Đài Loan... đều có hiện tượng này. Tại Việt Nam, đã từng xuất hiện một làn sóng thành lập, đầu tư mạnh vào các ngân hàng. Không chỉ các DN tư nhân, mà cả DN nhà nước cũng đầu tư vào các ngân hàng.

Rủi ro của hệ thống ngân hàng chính là ở chỗ quy trình xét duyệt cấp tín dụng của ngân hàng đối với DN “anh em” hay “quen biết” không được xem xét một cách chặt chẽ. Những ngân hàng “sân sau” này thường huy động vốn trong nền kinh tế, rồi cấp tín dụng cho các DN, bất chấp chất lượng đối tượng vay.

Việc vay vốn một cách dễ dàng và không phải chịu cơ chế kiểm soát chặt chẽ khiến DN vay vốn sẵn sàng đầu tư vào các dự án mạo hiểm. Một khi nền kinh tế xấu đi, thì những khoản vay rủi ro này đứng trước nguy cơ không thu hồi được, làm nợ xấu tăng cao. Thực tế, thời gian qua, không ít ngân hàng đã trở thành “con tin” của DN.

Tình trạng này cũng diễn ra đối với các ngân hàng thương mại nhà nước. Cho đến nay, Nhà nước vẫn thường xem ngân hàng thương mại quốc doanh như là một công cụ để thực hiện chính sách, thay vì là một đơn vị kinh doanh thực sự. Nhà nước thường chỉ định ngân hàng cho các DNNN vay, mà bỏ qua các quy trình thẩm định cần thiết. Về phần mình, ngân hàng thương mại nhà nước cũng ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, nên cho DN vay tràn lan. Ví dụ điển hình là Vinashin đã dễ dàng vay hàng chục ngàn tỷ đồng từ các ngân hàng, bất chấp khả năng trả nợ của DN này.

Những rủi ro trên thường được gọi là rủi ro đạo đức. Tức là, người có quyền quyết định tại các ngân hàng thường đưa ra những quyết định mang tính rủi ro vì lợi ích thu được của chính họ. Họ tin rằng, vì lợi ích của người gửi tiền, Chính phủ sẽ cứu các ngân hàng khỏi bị đổ vỡ trong bất kỳ tình huống nào.

Giám sát hoạt động và minh bạch hóa việc cho vay

Có thể thấy, rủi ro hệ thống ngân hàng không chỉ xuất phát từ việc các ngân hàng có quy mô nhỏ, quản trị yếu, mà còn xuất phát từ vấn đề đạo đức. Vì vậy, để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách có hiệu quả không thể bỏ qua yếu tố này.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, còn cổ đông tổ chức cũng không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ… Những quy định này được xem là khá chặt chẽ đối với hoạt động ngân hàng, đặc biệt là nhằm ngăn chặn sự lũng đoạn, thao túng của nhóm cá nhân, tổ chức gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Để giảm thiểu rủi ro đạo đức từ hoạt động cho vay, cần phải có những giải pháp tổng thể trong việc quản lý hệ thống ngân hàng. Trong đó, minh bạch hóa thông tin tín dụng và hoạt động của các ngân hàng là phương sách tốt để giảm thiểu rủi ro đạo đức.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cam kết trừng phạt những ngân hàng có các hoạt động cho vay rủi ro. Những biện pháp trừng phạt có thể là hạn chế tái cấp vốn, áp dụng các hệ số an toàn cao hơn bình thường… Ngoài ra, để thông tin minh bạch, NHNN có thể thành lập tổ chức định mức tín nhiệm độc lập nhằm đưa ra đánh giá khách quan về rủi ro của mỗi ngân hàng. Chính phủ cần hạn chế việc sử dụng vốn tín dụng như là công cụ chính sách; cân nhắc kỹ lưỡng khi ưu đãi tín dụng cho DNNN và các dự án nhà nước.

Cuối cùng, NHNN cũng cần phải tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, áp dụng công nghệ hiện đại và các chuẩn mực quốc tế để quản lý hệ thống ngân hàng.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,404

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn