Chính sách mới >> Tài chính 07/10/2016 08:35 AM

Sẽ có quỹ bình ổn giá điện?

07/10/2016 08:35 AM

Vấn đề cần làm rõ xung quanh việc tăng giá điện là tính minh bạch và thuyết phục

Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo (lần ba) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thay thế cho Quyết định số 69 đang áp dụng.

Tăng ít hay nhiều đều cần thỏa đáng

Theo đó, thời gian giữa các lần điều chỉnh được rút ngắn từ 6 tháng còn 3 tháng. Biên độ để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được tự quyết tăng giá điện là 3%-5% nếu các thông số đầu vào hình thành giá điện thay đổi ở mức tương ứng, thay cho 7% như trước đây. Mức tăng tối đa mỗi năm cho giá bán lẻ điện trong thẩm quyền của EVN là 20%.

Ngươi dân đóng tiên điện tại Công ty Điện lực Sài Gòn

Ngươi dân đóng tiên điện tại Công ty Điện lực Sài Gòn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng dự thảo đã mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện từ chỗ EVN không được quyết định theo Quyết định 69 đến chỗ EVN được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm là tương đối lớn và cần được xem xét, cân nhắc. Tương tự, thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng giá điện tối đa 20% mỗi năm lên đến 40% mỗi năm cũng là phương án cần cân nhắc. Theo VCCI, dự thảo nên quy định nếu giá điện bình quân tăng từ 3%-5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ Công Thương và nếu giá điện bình quân tăng trên 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, khi tăng giá điện sẽ tăng chi phí đầu vào, giảm giá trị gia tăng, tức là giảm tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế (GDP). Theo tính toán của ông Trinh, nếu giá điện tăng xấp xỉ 5% thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,22% và GDP sẽ giảm khoảng 0,47%. Còn nếu mức tăng đến 10% thì CPI tăng đến 0,48% và GDP giảm mất 0,61%.

Chuyên gia này cho rằng mức độ tác động đến nền kinh tế như tính toán trên sẽ dần dần hết đi sau khi giá cả đi vào quỹ đạo mới và duy trì ổn định một thời gian dài. Thế nhưng, nếu giảm biên độ tăng giá có thể dẫn đến tình trạng chưa tạo ra một mặt bằng giá mới lại phải hứng biến động tiếp. Chưa kể đến quy định cũ cho phép tăng giá 6 tháng một lần, mỗi lần không quá 7%, tương đương 14%/năm còn dự thảo mới trao quyền tăng giá 3 tháng/lần, mỗi lần cao nhất 5%, một năm là 20%. “Việc nới rộng thẩm quyền tăng giá điện như thế này là quá lớn nếu xét trong bối cảnh mọi thứ chưa được minh bạch thỏa đáng. Tăng giá điện mà không minh bạch thì dù tăng 1% hay 20%, người dân cũng đều cảm thấy khó hiểu bởi lẽ vì sao chỉ tăng, không thấy giảm. Như vậy, phải chứng minh được chi phí đầu vào tăng, tác động đến giá thành và bất khả kháng phải tăng giá điện” - ông Bùi Trinh nêu ý kiến.

Tại sao cần quỹ bình ổn?

Trong lần đưa ra dự thảo này, quỹ bình ổn giá điện vẫn là một trong những nội dung được nhắc đến dù cho trước đó đã có nhiều ý kiến phản đối. Theo đó, quỹ bình ổn giá điện được thành lập để thực hiện mục tiêu bình ổn giá điện. Nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh điện. EVN thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá điện theo hướng dẫn của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nếu thành lập quỹ bình ổn giá điện thì việc quan trọng nhất là trích lập và quản lý sao cho hợp lý, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch. Đặc biệt, trong bối cảnh quỹ bình ổn xăng dầu đã và vẫn đang gây nhiều tranh cãi lớn bởi vai trò mờ nhạt và sử dụng thiếu minh bạch. “Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bị phản đối rồi, đừng thành lập thêm quỹ bình ổn giá điện để rồi tính vào chi phí hình thành giá buộc người dân phải đóng thêm tiền vào đó nữa” - ông Bùi Trinh nói.

Đáng bàn hơn, có những ý kiến đặt câu hỏi liệu quỹ bình ổn giá điện có phù hợp với xu thế chúng ta đang hướng tới là đưa các mặt hàng đang trong diện quản lý giá dần đi theo con đường thị trường?

 “Gây quỹ từ túi tiền của người dân để trợ giá là đi ngược lại với xu thế của thế giới và định hướng tiến tới thị trường của nền kinh tế Việt Nam. Trên thế giới cũng có những trường hợp sử dụng quỹ bình ổn giá đối với một số mặt hàng nhằm ổn định giá trong một số hoàn cảnh nhất định nhưng không duy trì cố định lâu dài. Nếu có thể chứng tỏ được nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng theo xu hướng tích cực và ổn định thì việc sử dụng quỹ là không cần thiết, cần phải hết sức thận trọng” - một chuyên gia kinh tế góp ý.

Quy định lại tần suất và biên độ tăng giá

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) ngày 6-10 đã có phản hồi chính thức xung quanh các nội dung tại dự thảo về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được đưa ra lấy ý kiến lần này. Theo đó, cục cho rằng các bộ, ngành và nhiều chuyên gia kinh tế đều thống nhất nhận định trong các năm tới, việc quy định tần suất tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá bán điện liên tiếp là 6 tháng sẽ không phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào cơ bản trong năm; mức tăng giá tối thiểu 7% trở lên cũng là cao dẫn đến mỗi lần tăng giá điện sẽ có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách an sinh xã hội. Do đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính dự thảo quy định lại tần suất và biên độ điều chỉnh như nêu trên.

Về việc cho phép EVN được phép tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3% đến dưới 5%, theo cục này, Quyết định số 69 quy định EVN được phép tăng giá bán điện bình quân từ 7% đến dưới 10% sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận. Do vậy, đề xuất tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3% đến dưới 5% là phù hợp với quy định luật pháp, có tính kế thừa các quy định trước đây và phù hợp với định hướng của Chính phủ về việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường.

Phương Nhung

Theo Người lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,573

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn