Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất, ngày 22.7.2015, giá xăng dầu chỉ giảm 260 đồng/lít đã gây nhiều ý kiến trong dư luận. Một số tờ báo, trong đó có Thanh Niên đã có bài viết về vấn đề này trong bài Thiếu sòng phẳng trên chuyên mục Chào buổi sáng. Trong đó, tác giả nêu quan điểm: với mỗi lít xăng đang lãi 1.400 đồng, nhưng liên bộ Công thương - Tài chính chỉ định hướng mức giảm 260 đồng/lít cho xăng A92 và 425 đồng/lít với xăng E5. Quan điểm của bài báo cho rằng, như vậy, doanh nghiệp lãi nhiều, nhưng người dân chịu thiệt. Một số tờ báo khác cũng nêu thông tin và nhận định tương tự.
Tuy nhiên, trong một văn bản gửi tới Báo Thanh Niên và các cơ quan quản lý báo chí, xuất bản, Bộ Công thương cho rằng nhận định trên chưa chính xác. Theo Bộ Công thương, căn cứ trên công thức, cách tính giá cơ sở tại khoản 9, điều 3, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Thông tư liên tịch hướng dẫn số 39/2014/TTLT0BCT-BTC, liên bộ Công thương - Tài chính đã tính toán, công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trên thị trường tại kỳ điều hành trước liền kề thì chênh lệch giá cơ sở với mặt hàng xăng RON 92, xăng E5 thấp hơn 787 đồng/lít. Sau khi trừ đi mức chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện đang sử dụng (527 đồng/lít xăng RON 92, 362 đồng/lít xăng E5) thì mức giảm giá còn là 260 đồng/lít với xăng RON 92 và 425 đồng/lít với xăng E5.
Trao đổi trực tiếp với PV Thanh Niên ngày 3.8, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương - người được ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công thương, nói với các căn cứ trên, Bộ Công thương cho rằng liên bộ Công thương - Tài chính đã điều hành giá xăng dầu đúng quy định của Nghị định 83/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Đảm bảo không có việc mỗi lít xăng lãi gần 1.400 đồng nhưng chỉ giảm 260 đồng/lít với xăng A92 và 425 đồng/lít với xăng E95.
Cũng theo nội dung công văn của Bộ Công thương gửi Báo Thanh Niên và các cơ quan hữu quan, cũng như trong buổi làm việc trực tiếp với Thanh Niên về vấn đề này, ông Nguyễn Lộc An cho rằng chu kỳ tính giá, trình tự điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu đã được quy định rõ tại Nghị định 83/NĐ-CP và liên bộ đã tuân thủ đúng theo nhiệm vụ chứ không có chuyện “vội vã tăng”. Hay việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, theo ông An vẫn thực hiện đúng mục đích và nguyên tắc trong cơ chế điều hành xăng dầu hiện hành. “Nếu như không sử dụng Quỹ bình ổn, chúng tôi tính ra giá xăng bán phải cao hơn mức giá xăng bình quân từ trước tết đến nay khoảng 1.700 - 1.800 đồng/lít”, ông An nói thêm. Theo ông An, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được xả liên tục để bình ổn giá xăng dầu từ trước Tết Nguyên đán đến nay, cho nên vừa qua tiền trích quỹ này chỉ còn ở Petrolimex và PV Oil, còn ở các công ty khác đã bị âm quỹ. Do đó, đợt điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua, liên bộ Công thương - Tài chính thống nhất rút 527 đồng về quỹ nên chỉ giảm giá 260 đồng/lít xăng.
Về một số vấn đề mà bạn đọc quan tâm khác, như tại sao trong thời điểm điều chỉnh vừa qua, nhiều công ty xăng dầu đầu mối đã trả chiết khấu cho các đại lý bán lẻ xăng dầu ở mức 1.100 - 1.200 đồng/lít, ông An cho rằng đây là mức chiết khấu cao nhưng do trong thời điểm đó, giá xăng dầu đang trong xu hướng giảm, cho nên các công ty áp dụng mức chiết khấu như vậy để “xả hàng, cắt lỗ”.
Việc kinh doanh xăng dầu có thuộc độc quyền nhà nước hay không, theo ông An, hiện nay trên thị trường xăng dầu đã có tới 22 doanh nghiệp đầu mối tham gia, trong đó chỉ có 8 doanh nghiệp nhà nước, còn lại 14 doanh nghiệp tư nhân và về mặt hành chính Bộ Công thương chỉ quản lý một doanh nghiệp đầu mối là Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) và tập đoàn này hiện cũng đã cổ phần hóa.
Báo Thanh Niên ghi nhận những phản hồi của Bộ Công thương trên tinh thần đối thoại, cầu thị để độc giả rộng đường dư luận.
Mạnh Quân
Theo Thanh niên