Nguyên nhân do các đơn vị sản xuất thức
ăn chăn nuôi tăng giá thành sản phẩm, còn các doanh nghiệp chăn nuôi cho biết,
hiện nay thức ăn chăn nuôi được sản xuất từ nguyên liệu và các chất bổ sung, đối
với nguyên liệu không chịu thuế GTGT, nhưng các chất bổ sung vẫn chịu thuế suất
từ 5-10% nên giá thức ăn chăn nuôi giảm không đáng kể. Các doanh nghiệp kiến
nghị thay đổi mặt hàng thức ăn chăn nuôi từ không chịu thuế GTGT sang thuế suất
0%.
Đại biểu Huỳnh Thành Lập đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho ý kiến về vấn đề này.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời đại biểu Huỳnh Thành Lập như sau:
Trước ngày 1/1/2015, theo quy định của Luật Thuế GTGT thì mặt hàng thức ăn chăn nuôi áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% ở tất cả các khâu nhập khẩu, tiêu thụ trong nước và áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu. Doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ, hoàn thuế GTGT khi xác định số thuế GTGT phải nộp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội sản xuất thức ăn chăn nuôi và một số doanh nghiệp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Thuế GTGT để chuyển quy định thức ăn chăn nuôi chịu thuế GTGT với thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT.
Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình số 423/TTr-CP ngày 17/10/2014 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế như sau: Chuyển mặt hàng thức ăn chăn nuôi từ đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT; hàng hoá mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định (TSCĐ) của dự án đầu tư, sản xuất thức ăn chăn nuôi được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào.
Với đề xuất trên, mặc dù thức ăn chăn nuôi không được áp dụng thuế suất 0% nhưng thuế GTGT đầu vào của máy móc, thiết bị tạo TSCĐ đầu tư vẫn được hoàn lại, không phải tính vào chi phí, qua đó giảm giá thành thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước.
Tại Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế số 2290/BC-UBTCNS13 ngày 19/10/2014, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội có ý kiến như sau:
“(1) Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc chuyển mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% hiện nay sang đối tượng không chịu thuế GTGT.
(2) Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS không nhất trí cho phép khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định như Tờ trình của Chính phủ, vì; (i) việc khấu trừ thuế trong trường hợp này không phù hợp với nguyên lý của thuế GTGT là chỉ khi có thuế GTGT đầu ra mới cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào...”
Tại các phiên thảo luận Tổ và thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ chuyển mặt hàng thức ăn chăn nuôi sang đối tượng không chịu thuế GTGT; nhiều ý kiến không nhất trí cho phép khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo TSCĐ sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Căn cứ ý kiến thẩm tra của Ủy ban TCNS và ý kiến của Đại biểu Quốc hội phát biểu tại kỳ họp, ngày 18/11/2014 Bộ Tài chính đã có Công văn số 16776/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 800/BC-UBTVQH13 ngày 25/11/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có ý kiến như sau:
"Nhiều ý kiến không nhất trí cho phép khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định như Dự thảo luật.
UBTVQH xin tiếp thu như sau: (i) Việc cho phép khấu trừ thuế trong trường hợp doanh nghiệp không có thuế GTGT đầu ra là không phù hợp với nguyên tắc của thuế GTGT; (ii) Việc khấu trừ và hoàn thuế GTGT chưa có căn cứ đảm bảo người dân sử dụng dịch vụ này được hưởng lợi từ việc Nhà nước cho phép khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị bỏ quy định việc khấu trừ và hoàn thuế đối với các trường hợp trên”.
Quy định mặt hàng thức ăn chăn nuôi thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT
Ngày 26/11/2014 Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, quy định mặt hàng thức ăn chăn nuôi thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo TSCĐ) dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ngay sau khi Luật có hiệu lực, Bộ Tài chính đã nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các chính sách thuế mới. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ khảo sát tình hình thực tế tại một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại địa bàn tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và TP. Hà Nội.
Qua tham khảo thống kê tại 78 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ có 3 quốc gia áp dụng mức thuế suất 0% đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, còn lại 12 quốc gia quy định thức ăn chăn nuôi không chịu thuế GTGT; 26 quốc gia áp dụng thuế suất dưới 10%; 37 quốc gia áp dụng thuế suất từ 10% trở lên. Mức thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng này trung bình là 14,67%, thuế suất cao nhất là 27%. Bốn nước ASEAN (Thái Lan, Indonexia, Philippines, Myanmar) đều quy định thức ăn chăn nuôi không chịu thuế GTGT.
Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị, tình hình sản xuất kinh doanh, đánh giá tác động của chính sách mới Bộ Tài chính xin báo cáo như sau:
Tác động đến doanh nghiệp: Các doanh nghiệp được khảo sát đều cho rằng chính sách thức ăn chăn nuôi không chịu thuế GTGT từ ngày 1/1/2015 đã có tác động tốt, góp phần giảm giá bán ngay tại khâu sản xuất từ 4% đến 4,5%, bên cạnh đó chính sách mới góp phần giảm thủ tục hành chính về kê khai, nộp thuế và giảm khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.
Tác động đến giá bán thức ăn chăn nuôi cho người nông dân: Thực tế, giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp giảm nhẹ trong 3 tháng đầu năm 2015. Tính chung Quý I/2015, giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp giảm nhẹ so với tháng 12/2014 (từ 50 đồng/kg đến 90 đồng/kg) và giảm mạnh so với Quý I/2014 (từ 790 đồng/kg đến 880 đồng/kg).
Thức ăn chăn nuôi gồm 2 loại: Thức ăn tự nhiên như các loại từ sản phẩm nông, thủy sản (ngô, thóc gạo, đậu tương, lạc) do tổ chức, cá nhân trồng trọt bán ra và thức ăn công nghiệp do các doanh nghiệp sản xuất, chế biến (cám, bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm) và phế liệu, phế phẩm từ các ngành chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản (bã đậu, mía, bã bia,...).
Trong đó loại thức ăn tự nhiên chiếm khoảng 1/3 tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi. Nếu áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% thì phải áp dụng thuế suất 0% ở tất cả các khâu, từ trồng trọt, sơ chế sản phẩm trồng trọt là thức ăn tự nhiên đến chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp hoặc thức ăn chăn nuôi tự trộn của các hộ trang trại, và phải thực hiện hoàn thuế GTGT.
Việc này là không khả thi vì người nông dân không thực hiện được hệ thống kế toán và sổ sách, hóa đơn, không có khả năng được hoàn thuế GTGT đầu vào mà chỉ có doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đáp ứng được điều kiện, thủ tục và được hoàn thuế, gây bất bình đẳng trong sản xuất nông nghiệp giữa người nông dân và doanh nghiệp, bất lợi cho người nông dân. Đồng thời rủi ro cao về gian lận trong hoàn thuế GTGT như việc hoàn thuế GTGT đối với nông sản ở khâu lưu thông thương mại đã diễn ra trước ngày 1/1/2014.
Do tác động tổng thể của chính sách thức ăn chăn nuôi không chịu thuế GTGT từ ngày 1/1/2015 là tương đối tốt, Bộ Tài chính đề nghị giữ như quy định hiện hành của Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ