Công văn 545: UBND tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho cơ sở giáo dục để thực hiện dạy thêm (Hình từ Internet)
Ngày 11/02/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 545/BGDĐT-GDTrH tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông.
Theo đó, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện một số nội dung trọng tâm được quy định trong Công văn 545/BGDĐT-GDTrH năm 2025 như sau:
- Chỉ đạo ngành giáo dục quán triệt các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng. Việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kì; xét tuyển học sinh đầu cấp (tiểu học, trung học cơ sở) và thi tuyển sinh vào lớp 10 cấp trung học phổ thông phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không gây áp lực học thêm cho học sinh.
- Tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường để giúp học sinh đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo từng môn học của từng khối lớp theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là học sinh còn gặp khó khăn trong học tập, học sinh cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trên đây là phần nội dung nói về “UBND tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho cơ sở giáo dục để thực hiện dạy thêm trong Công văn 545/BGDĐT-GDTrH năm 2025”
Căn cứ tại Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT thì việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường được quy định như sau:
- Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
+ Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
+ Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
+ Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Nhà trường tổ chức cho học sinh thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT viết đơn đăng kí học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
![]() |
Mẫu số 01 |
- Căn cứ vào số học sinh đăng kí, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm đối với từng môn học ở từng khối lớp.
- Việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau:
+ Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 (bốn mươi lăm) học sinh;
+ Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường;
+ Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần.
- Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường.
Xem thêm tại Công văn 545/BGDĐT-GDTrH ban hành ngày 11/02/2025.