Yêu cầu địa phương công khai minh bạch thông tin về dự án bất động sản đã cấp phép

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
09/11/2024 18:00 PM

Bài viết sau có nội dung về các địa phương phải công khai minh bạch thông tin về các dự án bất động sản đã cấp phép được quy định trong Thông báo 511/TB-VPCP năm 2024.

Yêu cầu địa phương công khai minh bạch thông tin về dự án bất động sản đã cấp phép

Yêu cầu địa phương công khai minh bạch thông tin về dự án bất động sản đã cấp phép (Hình từ Internet)

Ngày 06/11/2024. Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 511/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 10 tháng đầu năm 2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024.

Yêu cầu địa phương công khai minh bạch thông tin về dự án bất động sản đã cấp phép

Theo đó, đối với các mặt hàng cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Thông báo 511/TB-VPCP năm 2024 như sau:

- Xăng dầu: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu...

- Mặt hàng điện: Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cải thiện công tác quản trị, có giải pháp hiệu quả nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh để hạ giá thành sản xuất điện, cắt giảm chi phí trung gian; bảo đảm cân đối nguồn cung điện.

- Bất động sản: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên môi trường thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng nguồn cung, xử lý các vướng mắc về thủ tục pháp lý; các địa phương công khai minh bạch thông tin về các dự án bất động sản đã cấp phép (tên dự án, chủ đầu tư, diện tích, số lượng sản phẩm, thời điểm dự án hoàn thành...); rà soát và có biện pháp xử lý phù hợp theo thẩm quyền và quy định pháp luật đối với những dự án bất động sản đã cấp phép nhưng không triển khai; đẩy mạnh các giải pháp phát triển nhà ở xã hội.

- Lương thực, thực phẩm: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương và Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến, tình hình nguồn cung, giá cả hàng nông sản, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi;

Kịp thời điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường;

Thực hiện các giải pháp được giao về hỗ trợ khôi phục sản xuất, chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm;

Phối hợp với các địa phương tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống, thức ăn, hóa chất và các vật tư cần thiết cho các địa phương để khôi phục sản xuất nông nghiệp

- Vật liệu xây dựng: Bộ Xây dựng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương trong việc công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng hàng tháng, đảm bảo sát với biến động của thị trường. Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường chú trọng xử lý các vấn đề về nguồn cung nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu cho thị trường, nhất là việc triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm.

- Vận tải hàng không: Bộ Giao thông vận tải thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm, ổn định lực lượng vận tải hàng không để cung ứng phù hợp, cân đối tải trên các đường bay và thị trường nội địa/quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm cuối năm 2024 sắp tới.

- Dịch vụ giáo dục: Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội chủ động nắm bắt thông tin về mức điều chỉnh học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập năm học 2024-2025 để có đánh giá tổng thể về mức độ tăng và tình hình triển khai thực hiện.

- Sách giáo khoa: Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện định giá tối đa sách giáo khoa phù hợp sau khi đánh giá tác động và quản lý chất lượng sách giáo khoa gắn với mức giá hợp lý. Tại các địa phương bị thiên tai, bão lũ, các địa phương rà soát các điều kiện học tập của học sinh về trường học, sách giáo khoa, vệ sinh, an ninh, an toàn trường học cho học sinh để bảo đảm các điều kiện cho năm học 2024-2025.

- Đối với công tác điều hành giá mặt hàng quan trọng, thiết yếu khác, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, bất hợp lý.

Xem thêm Thông báo 511/TB-VPCP ban hành ngày 06/11/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 264

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn