Tải App trên Android

Điều kiện thành lập trường trung học phổ thông chuyên tư thục từ ngày 20/11/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
10/10/2024 22:45 PM

Dưới đây là nội dung quy định về điều kiện thành lập trường trung học phổ thông chuyên tư thục từ ngày 20/11/2024.

Điều kiện thành lập trường trung học phổ thông chuyên tư thục từ ngày 20/11/2024

Cụ thể, tại Điều 70 Nghị định 125/2024/NĐ-CP đã quy định về điều kiện thành lập trường trung học phổ thông chuyên công lập hoặc cho phép thành lập trường trung học phổ thông chuyên tư thục như sau:

(1) Có đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trường phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan của địa phương nơi trường đặt trụ sở.

(2) Đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trường nhằm đạt được mục tiêu, nhiệm vụ của trường chuyên.

Điều kiện thành lập trường trung học phổ thông chuyên tư thục từ ngày 20/11/2024

Điều kiện thành lập trường trung học phổ thông chuyên tư thục từ ngày 20/11/2024 (Hình từ internet)

Thủ tục thành lập trường trung học phổ thông chuyên tư thục

- Thẩm quyền thành lập:

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trường trung học phổ thông chuyên công lập hoặc cho phép thành lập trường trung học phổ thông chuyên tư thục thuộc tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở quyết định thành lập trường trung học phổ thông chuyên công lập hoặc cho phép thành lập trường trung học phổ thông chuyên tư thục thuộc cơ sở giáo dục đại học theo đề nghị của Thủ trường cơ sở giáo dục đại học.

- Hồ sơ, trình tự thành lập hoặc cho phép thành lập trường trung học phổ thông chuyên được thực hiện như đối với trường trung học theo quy định tại Nghị định 125/2024/NĐ-CP.

(Điều 71 Nghị định 125/2024/NĐ-CP)

Quy định điều kiện cho phép trường trung học phổ thông chuyên hoạt động giáo dục

Trường trung học phổ thông chuyên được cho phép hoạt động giáo dục khi đáp ứng các điều kiện hoạt động như đối với trường trung học phổ thông quy định tại Điều 27 Nghị định 125/2024/NĐ-CP và các điều kiện sau đây:

- Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định đối với trường chuyên.

- Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng các tiêu chuẩn, nhiệm vụ theo quy định đối với trường chuyên.

(Điều 72 Nghị định 125/2024/NĐ-CP)

Quy định về đình chỉ hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia, tách, giải thể trường trung học phổ thông chuyên

- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đặt trụ sở trường trung học phổ thông chuyên quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục của trường.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể trường trung học phổ thông chuyên.

- Việc đình chỉ hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia, tách, giải thể trường trung học phổ thông chuyên được thực hiện như đối với trường trung học phổ thông theo quy định tại các Điều 29, Điều 30 và Điều 31 Nghị định 125/2024/NĐ-CP.

(Điều 74 Nghị định 125/2024/NĐ-CP)

Điều kiện cho phép trường trung học hoạt động giáo dục

(1) Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn về địa điểm, quy mô, diện tích và cơ sở vật chất tối thiểu đối với trường trung học cơ sở, trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt, có thể thay thế diện tích khu đất xây dựng trường bằng diện tích sàn xây dựng và bảo đảm diện tích sàn xây dựng không thấp hơn diện tích đất bình quân tối thiểu cho một học sinh theo quy định.

(2) Có chương trình giáo dục, tài liệu giảng dạy và học tập đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(3) Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động đủ về số lượng và đạt tiêu chuẩn để tổ chức hoạt động giáo dục đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(4) Có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục:

- Đối với trường trung học tư thục, mức đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.

Đối với trường hợp trường trung học tư thục không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc sử dụng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động giáo dục thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức đầu tư quy định tại điểm a khoản 4 Điều 27 Nghị định 125/2024/NĐ-CP;

- Đối với trường trung học công lập, nguồn lực tài chính do cơ quan quản lý có thẩm quyền chịu trách nhiệm bảo đảm nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông theo quy định.

(5) Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

(Điều 27 Nghị định 125/2024/NĐ-CP)

Xem thêm nội dung tại Nghị định 125/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 917

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]