Tải App trên Android

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
09/10/2024 09:00 AM

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 là nội dung được quy định trong Công điện 104/CĐ-TTg năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 (Hình từ Internet)

Ngày 08/10/2024, Thủ tướng Chính phủ điện Công điện 104/CĐ-TTg đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024

Theo đó, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội giao, các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao;

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được quy định cụ thể tại Công điện 104/CĐ-TTg năm 2024 như sau: 

(1) Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền được giao: 

- Quán triệt đầy đủ vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra không gian phát triển mới, giảm chi phí logistic, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. 

- Bám sát các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quyết liệt chỉ đạo, điều hành, thực hiện “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo” trong tổ chức thực hiện, với phương châm “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. 

- Đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cụ thể, hiệu quả; phân công thực hiện phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ và rõ kết quả; chú trọng công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, chủ động, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. 

- Làm tốt công tác khắc phục hậu quả của Cơn bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định về nhân công, vật tư, máy móc, khẩn trương khôi phục lại thi công các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn bị ảnh hưởng của bão, lũ lụt. Đồng thời, bám sát tình hình, diễn biến thời tiết, xây dựng, triển khai hiệu quả phương án phòng chống thiên tai, chủ động xây dựng, tổ chức giải pháp thi công phù hợp, điều chỉnh đường găng tiến độ của các dự án, bảo đảm tiến độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

- Đẩy nhanh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; tăng cường nhân lực, vật lực, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, kiểm kê và đẩy nhanh thi công các khu tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng để thi công. 

- Tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất; thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu phục vụ các dự án đầu tư công đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật. 

- Đẩy nhanh tiến độ, giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh công tác thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công, không để tồn đọng khối lượng đã thực hiện nhưng không được thanh toán, không để dồn thanh toán vào cuối năm. 

- Tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng. Phân công lãnh đạo theo dõi, tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện công việc trong từng tuần, bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan tại các Bộ, ngành Trung ương, địa phương cũng như tại các đơn vị trực thuộc để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. 

- Chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án và có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định. 

- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, đơn vị đạt kết quả tốt trong giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực. 

- Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, bám sát quá trình xử lý của các cơ quan chuyên môn để kịp thời giải trình, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, khắc phục triệt để tình trạng “vốn chờ dự án”, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025. 

- Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh nội sinh, vai trò, vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện các giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 được giao, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác các động lực tăng trưởng mới; triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Thủ đô 2024, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, tạo đột phá mới, bước chuyển mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội của 2 Thành phố, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển chung của cả nước. 

(2) Tổ trưởng các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; các Thành viên Chính phủ: 

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của 07 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ được thành lập theo Quyết định 1006/QĐ-TTg năm 2024; duy trì chế độ hằng quý Thành viên Chính phủ làm việc với các Bộ, cơ quan, địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công theo Quyết định 435/QĐ-TTg năm 2023 và Quyết định 967/QĐ- TTg năm 2024. 

- Nâng cao chất lượng báo cáo tại các cuộc họp, làm việc, kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác và các Thành viên Chính phủ. Nội dung báo cáo phải được rà soát kỹ, tổng hợp đầy đủ, chi tiết nguyên nhân, vướng mắc, bảo đảm rõ ràng, thực chất; chỉ rõ vướng mắc cụ thể ở dự án nào, khâu nào, đề xuất giải pháp tháo gỡ cụ thể và cấp thẩm quyền quyết định, để Tổ trưởng Tổ công tác và Thành viên Chính phủ xem xét, xử lý kịp thời theo quy định. 

(3) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: 

- Phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hằng tháng để ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. 

- Chủ động báo cáo, giải trình với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội về các nội dung liên quan đến: Luật Đầu tư công sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của: Luật Quy hoạch 2017, Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020Luật Đấu thầu 2023; Kế hoạch đầu tư công năm 2025; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện thí điểm tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho thực hiện trên phạm vi cả nước. 

- Hướng dẫn, xử lý các vướng mắc của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc thực hiện các Luật Đấu thầu 2023, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, Luật Quy hoạch 2017

(4) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: 

- Chủ động báo cáo, giải trình với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội về các nội dung liên quan đến: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán 2019, Luật Kế toán 2015, Luật Kiểm toán độc lập 2011, Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, Luật Quản lý thuế 2019, Luật Dự trữ quốc gia 2012; Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 theo quy định, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu. 

- Chỉ đạo Kho bạc nhà nước và các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án ngay khi đã đầy đủ hồ sơ theo quy định, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc nhà nước. 

(5) Bộ Tài nguyên và Môi trường: 

- Tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thủ tục liên quan đến quy trình cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu phục vụ dự án đầu tư công, đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng quy định. 

- Hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan tới các quy định mới có hiệu lực của Luật Đất đai 2024 và các Nghị định liên quan, đặc biệt là các dự án phải tính toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về đất đai mới và các quy định pháp luật có liên quan. 

(6) Bộ Xây dựng theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu để xử lý kịp thời theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, xác định mức đơn giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến giá thị trường, bảo đảm kịp thời, phù hợp, hiệu quả. 

(7) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền. 

(8) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Công điện 104/CĐ-TTg

(9) Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm được giao.

Xem thêm Công điện 104/CĐ-TTg ban hành ngày 08/10/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 335

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]