Đề xuất sửa đổi quy định khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ sơ cấp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín
18/09/2024 18:30 PM

Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ sơ cấp dự kiến sẽ được sửa đổi theo Dự thảo thông tư quy định về đào tạo trình độ sơ cấp.

Đề xuất sửa đổi quy định khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ sơ cấp

Đề xuất sửa đổi quy định khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ sơ cấp (Hình từ Internet)

Đề xuất sửa đổi quy định khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ sơ cấp

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư quy định về đào tạo trình độ sơ cấp, dự kiến thay thế Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH.

Theo Dự thảo Thông tư, khối lượng học tập tối thiểu đối với trình độ sơ cấp tối thiểu là 05 tín chỉ. Thời gian đào tạo trình độ sơ cấp được thực hiện từ 03 tháng đến dưới 01 năm học nhưng phải bảo đảm thời gian thực học tối thiểu là 300 giờ học đối với người có trình độ học vấn phù hợp với nghề cần học.

Khối lượng học tập lý thuyết và học tập thực hành tùy theo từng ngành, nghề đào tạo phải đảm bảo tỷ lệ: lý thuyết chiếm tối đa 25%; thực hành chiếm tối thiểu 75%.

Khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ sơ cấp là số tín chỉ bắt buộc mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ sơ cấp.

Một tín chỉ được quy định tối thiểu bằng 15 giờ học lý thuyết; hoặc bằng 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận. Thời gian người học tự học, tự chuẩn bị có hướng dẫn là cần thiết trong quá trình học tập để người học có thể tiếp thu được kiến thức, kỹ năng của nghề nhưng không được tính trong chương trình đào tạo.

Về yêu cầu năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ sơ cấp

- Kiến thức:

+ Hiểu biết và có kiến thức cơ bản về các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với từng công việc của nghề; áp dụng được một số kiến thức nhất định khi thực hiện công việc và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn;

+ Hiểu biết và có kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc, vị trí làm việc và nơi làm việc.

- Kỹ năng: Làm được các công việc đơn giản hoặc công việc có tính lặp lại của một nghề và các kỹ năng cần thiết khác tương thích với nghề.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Có khả năng tiếp nhận, ghi chép và chuyển thông tin theo yêu cầu; biết được yêu cầu, tiêu chuẩn, kết quả đối với công việc ở các vị trí làm việc xung quanh hoặc công việc có liên quan; chịu trách nhiệm đối với kết quả công việc, sản phẩm của mình.

Về nội dung quy định khối lượng học tập tối thiểu và yêu cầu năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ sơ cấp:

- Tên ngành, nghề đào tạo.

- Số mô đun, tín chỉ và thời gian đào tạo.

- Yêu cầu về kiến thức: kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội và pháp luật; kiến thức chuyên môn của ngành, nghề đào tạo.

- Yêu cầu về kỹ năng:

+ Kỹ năng cứng: Kỹ năng chuyên môn, năng lực thực hành nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề.

+ Kỹ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, làm việc độc lập, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học.

- Yêu cầu về năng lực tự chủ và trách nhiệm:

+ Phẩm chất đạo đức, ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân;

+ Trách nhiệm, đạo đức, tác phong nghề nghiệp, thái độ phục vụ;

+ Khả năng cập nhật kiến thức, sáng tạo trong công việc.

- Vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp.

- Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp.

- Các chương trình, tài liệu, chuẩn quốc tế đã tham khảo.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 243

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn