Sự cố công trình cầu Phong Châu tỉnh Phú Thọ: Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu khắc phục

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
17/09/2024 11:46 AM

Bộ Xây dựng đã có các đề xuất nghiên cứu khắc phục về sự cố công trình cầu Phong Châu tỉnh Phú Thọ.

Sự cố công trình cầu Phong Châu tỉnh Phú Thọ: Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu khắc phục

Sự cố công trình cầu Phong Châu tỉnh Phú Thọ: Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu khắc phục (Hình từ Internet)

Bộ Xây dựng ban hành Công văn 5273/BXD-GĐ ngày 13/9/2024 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu.

Sự cố công trình cầu Phong Châu tỉnh Phú Thọ: Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu khắc phục 

Công trình cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra sự cố nghiêm trọng, sập hai nhịp dàn thép vào ngày 09/9/2024. Thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ nghiên cứu, thực hiện một số nội dung sau:

- Tổ chức giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu theo quy định tại Điều 44, Điều 45 Nghị định 06/2021/NĐ-CP. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc tiếp tục bảo vệ hiện trường và các biện pháp đảm bảo an toàn cho đến khi hoàn thành công tác giải quyết sự cố công trình theo quy định của pháp luật.

- Theo quy định tại Điều 46 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ (hoặc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, trong trường hợp này là Bộ Giao thông vận tải, khi được Thủ tướng Chính phủ giao) là cơ quan có thẩm quyền chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan. 

Trong quá trình tổ chức giám định, hiện trường sự cố cần được chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi triển khai các công việc tiếp theo, lưu ý đến việc thu thập các tài liệu kỹ thuật có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác, bảo trì, sửa chữa công trình.

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành trục vớt, thanh thải lòng sông để đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ nội địa khi đảm bảo các điều kiện cho công tác này; sớm báo cáo cấp có thẩm quyền, đề xuất phương án khắc phục để đảm bảo giao thông trên tuyến quốc lộ 32C.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc tiếp tục thực hiện các nội dung theo Công điện 01/CĐ-BXD ngày 04/9/2024, Công điện 02/CĐ-BXD ngày 08/9/2024 của Bộ Xây dựng để đảm bảo an toàn cho người, tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

* Báo cáo sự cố công trình xây dựng (Điều 44 Nghị định 06/2021/NĐ-CP):

- Ngay sau khi xảy ra sự cố, bằng biện pháp nhanh nhất chủ đầu tư phải thông báo về sự cố bao gồm thông tin về tên và vị trí xây dựng công trình, sơ bộ về sự cố và thiệt hại (nếu có) cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và cơ quan cấp trên của mình (nếu có). Ngay sau khi nhận được thông tin, Ủy ban nhân dân cấp xã phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về sự cố.

- Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư báo cáo về sự cố bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố. Đối với tất cả các sự cố có thiệt hại về người thì chủ đầu tư gửi báo cáo cho Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Báo cáo bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

+ Tên công trình, vị trí xây dựng, quy mô công trình;

+ Tên các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình;

+ Mô tả về sự cố, tình trạng công trình xây dựng khi xảy ra sự cố, thời điểm xảy ra sự cố;

+ Thiệt hại về người và tài sản (nếu có).

- Đối với các sự cố công trình đi qua địa bàn 02 tỉnh trở lên, sau khi nhận được báo cáo bằng văn bản hoặc nhận được thông tin về sự cố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm gửi báo cáo sự cố cho Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.

- Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan cung cấp thông tin về sự cố.

- Trường hợp sự cố công trình xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều này.

* Giải quyết sự cố công trình xây dựng (Điều 45 Nghị định 06/2021/NĐ-CP):

- Khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kịp thời để tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện báo cáo theo quy định tại Điều 44 Nghị định 06/2021/NĐ-CP. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, hỗ trợ các bên có liên quan tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện các công việc cần thiết khác trong quá trình giải quyết sự cố.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì giải quyết sự cố công trình xây dựng và thực hiện các công việc sau:

+ Xem xét, quyết định dừng, tạm dừng thi công hoặc khai thác sử dụng đối với hạng mục công trình, một phần hoặc toàn bộ công trình tùy theo tính chất, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của sự cố;

+ Xem xét, quyết định việc phá dỡ, thu dọn hiện trường sự cố trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu sau: Đảm bảo an toàn cho người, tài sản, công trình và các công trình lân cận. Hiện trường sự cố phải được các bên liên quan chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép các tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi phá dỡ, thu dọn;

+ Thông báo kết quả giám định nguyên nhân sự cố cho chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan; các yêu cầu đối với chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc các bên có liên quan phải thực hiện để khắc phục sự cố;

+ Xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật;

+ Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì giải quyết đối với sự cố công trình xây dựng cấp II, cấp III trên địa bàn.

- Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng trong quá trình thi công xây dựng hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình trong quá trình khai thác, sử dụng có trách nhiệm khắc phục sự cố theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi khắc phục sự cố, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 45 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quyết định việc tiếp tục thi công hoặc đưa công trình vào sử dụng.

- Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chi phí cho việc khắc phục sự cố tùy theo tính chất, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của sự cố.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về báo cáo và giải quyết sự cố đối với công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.

* Giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng (Điều 46 Nghị định 06/2021/NĐ-CP)

- Thẩm quyền chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng:

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân các sự cố trên địa bàn;

+ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đối với công trình phục vụ quốc phòng, an ninh;

+ Bộ quản lý xây dựng công trình chuyên ngành chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ giao.

- Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 46 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thành lập Tổ điều tra sự cố để giám định nguyên nhân sự cố. Tổ điều tra sự cố bao gồm đại diện các đơn vị của cơ quan chủ trì giải quyết sự cố, các cơ quan có liên quan và các chuyên gia về những chuyên ngành kỹ thuật liên quan đến sự cố. Trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố chỉ định tổ chức kiểm định thực hiện giám định chất lượng công trình phục vụ đánh giá nguyên nhân sự cố và đưa ra giải pháp khắc phục.

- Nội dung thực hiện giám định nguyên nhân sự cố:

+ Thu thập hồ sơ, tài liệu, số liệu kỹ thuật có liên quan và thực hiện các công việc chuyên môn để xác định nguyên nhân sự cố;

+ Đánh giá mức độ an toàn của công trình sau sự cố;

+ Phân định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan;

+ Lập hồ sơ giám định nguyên nhân sự cố, bao gồm: Báo cáo giám định nguyên nhân sự cố và các tài liệu liên quan trong quá trình thực hiện giám định nguyên nhân sự cố.

- Chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng:

+ Trường hợp sự cố công trình xây dựng xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng. Sau khi có kết quả giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng và phân định trách nhiệm thì tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình xây dựng phải có trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố. Trường hợp sự cố công trình xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng thì trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố thực hiện theo quy định của hợp đồng xây dựng có liên quan;

+ Trường hợp sự cố công trình xây dựng xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng công trình, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng. Sau khi có kết quả giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng và phân định trách nhiệm thì tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình xây dựng phải có trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố. Trường hợp sự cố công trình xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng thì trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức giám định nguyên nhân sự cố do chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình chi trả.

Xem thêm Công văn 5273/BXD-GĐ ban hành ngày 13/9/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 509

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]