Giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín
13/09/2024 20:15 PM

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được ban hành kèm Quyết định 872/QĐ-TTg ngày 19/8/2024, trong đó có các giải pháp thực hiện.

Giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030

Giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030 (Hình từ Internet)

Giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030

Các giải pháp thực hiện Quy hoạch tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 ban hành kèm Quyết định 872/QĐ-TTg ngày 19/8/2024 cụ thể là:

(1) Về thu hút đầu tư phát triển

- Huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Tỉnh và Trung ương. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn các giai đoạn; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án quan trọng, cấp bách, có tính đột phá và sức lan tỏa; ưu tiên các công trình quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, tạo động lực cho phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện để đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công có hiệu quả.

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh; tạo lợi thế trong việc thu hút nguồn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài.

- Triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trên địa bàn Tỉnh.

- Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp như y tế, giáo dục, đào tạo nghề, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ,… Nghiên cứu thành lập các quỹ như quỹ tín dụng nhân dân ở những nơi có nhu cầu và đủ điều kiện, phát triển các hệ thống các ngân hàng thương mại để tăng cường huy động vốn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

(2) Về phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng chiến lược nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác đào tạo dài hạn, đào tạo chính quy và giáo dục nghề nghiệp tại các trường cao đẳng đảm bảo nguồn lao động có chất lượng đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật đa dạng; nghiên cứu phát triển trường cao đẳng đa ngành, đa nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng các yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học; quan tâm đầu tư phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, bán trú hoặc có học sinh dân tộc thiểu số bán trú.

- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục theo hướng thu hút đầu tư và đóng góp của doanh nghiệp và cộng đồng vào giáo dục phổ thông, đào tạo nghề ngắn hạn và đào tạo dài hạn. Tăng cường gắn kết trực tiếp giữa đào tạo và sử dụng lao động để người lao động đáp ứng tốt yêu cầu về khả năng làm việc của các tổ chức sử dụng lao động.

(3) Về phát triển khoa học và công nghệ

- Phát triển hệ thống mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ; nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Ưu tiên bố trí ngân sách cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

(4) Về bảo đảm an sinh xã hội

Triển khai đồng bộ có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững có hiệu quả, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm chế độ chính sách và nâng cao đời sống của người có công. Mở rộng lưới an sinh xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em, các đối tượng yếu thế trong xã hội.

(5) Về bảo vệ môi trường

- Thể chế hóa kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Phát triển các nguồn năng lượng sạch, khuyến khích các cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường. Ưu tiên và có cơ chế để thực hiện xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Tỉnh.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi công nghệ cũ, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất; áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu chất thải gây hiệu ứng khí nhà kính; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển khoa học công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của Tỉnh trong phát triển thị trường tín chỉ các-bon.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng hóa về hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

(6) Về bảo đảm nguồn lực tài chính

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; Thực hiện tốt các giải pháp để huy động tối đa các nguồn thu cho ngân sách Tỉnh, bao gồm khai thác quỹ đất cho phát triển đô thị, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phấn đấu thu ngân sách địa phương đạt tốc độ tăng tối thiểu 8%/năm.

- Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân qua việc tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh các dự án tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tạo đột phá thu hút nguồn vốn đầu tư trong xã hội.

(7) Về bảo đảm quốc phòng, an ninh

- Phát triển kinh tế - xã hội địa phương từng thời kỳ phải gắn chặt với thế trận quân sự, khu vực phòng thủ Tỉnh phù hợp với các quy hoạch ngành của Bộ Quốc phòng; quy hoạch Khu quân sự, đất địa hình ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Bảo đảm an ninh cho các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 298

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn