Đề xuất cụ thể về hợp đồng dạy học xác định thời hạn và không xác định thời hạn

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
08/08/2024 17:45 PM

Dưới đây là nội dung đề xuất cụ thể về hợp đồng dạy học xác định thời hạn và không xác định thời hạn theo dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3)

Đề xuất quy định hợp đồng dạy học xác định thời hạn và không xác định thời hạn

Đề xuất cụ thể về hợp đồng dạy học xác định thời hạn và không xác định thời hạn (Hình từ internet)

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nộp hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3).

Dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3)

Đề xuất quy định hợp đồng dạy học xác định thời hạn và không xác định thời hạn

Cụ thể, tại Điều 27 dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3) đã đề xuất quy định về hợp đồng dạy học xác định thời hạn và không xác định thời hạn như sau:

- Hợp đồng dạy học được ký bằng văn bản giữa hiệu trưởng hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhà giáo. Hợp đồng dạy học bao gồm hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng xác định thời hạn.

- Hợp đồng dạy học không xác định thời hạn:

+ Hợp đồng dạy học không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

+ Hợp đồng dạy học không xác định thời hạn được áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập sau khi được tuyển dụng; nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục có thỏa thuận ký hợp đồng dạy học không xác định thời hạn hoặc sau 02 lần đã thực hiện hợp đồng dạy học xác định thời hạn.

- Hợp đồng dạy học xác định thời hạn:

+ Hợp đồng dạy học xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

+ Hợp đồng dạy học xác định thời hạn chỉ được ký không quá 02 (hai) lần với cùng 01 (một) cơ sở giáo dục; sau đó cơ sở giáo dục phải ký hợp đồng dạy học không xác định thời hạn nếu nhà giáo vẫn tiếp tục làm việc;

+ Hợp đồng dạy học xác định thời hạn được áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (trừ trường hợp đã thỏa thuận ký hợp đồng dạy học không xác định thời hạn).

- Nhà giáo đang ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn trước khi dự thảo Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện theo hợp đồng đã ký. Nhà giáo đang ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn trước khi dự thảo Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký cho đến khi phải thay đổi theo các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 27 dự thảo Luật Nhà giáo.

- Các trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Nội dung hợp đồng dạy học theo dự thảo Luật Nhà giáo

- Hợp đồng dạy học bao gồm các nội dung cơ bản sau: thông tin của cơ sở giáo dục và thông tin của nhà giáo; công việc, địa điểm làm việc; chế độ, chính sách nhà giáo được hưởng; quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia ký hợp đồng; thời gian, hiệu lực của hợp đồng và các nội dung khác được quy định trong hợp đồng.

- Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến hợp đồng dạy học.

(Điều 28 dự thảo Luật Nhà giáo)

Đề xuất giấy phép hành nghề dạy học là điều kiện để tham gia tuyển dụng nhà giáo

Tai Điều 17 dự thảo Luật Nhà giáo cũng đã đề xuất quy định về mục đích của giấy phép hành nghề dạy học như sau:

- Là điều kiện để tham gia tuyển dụng nhà giáo.

- Tạo điều kiện để nhà giáo mở rộng cơ hội hoạt động nghề nghiệp và hợp tác quốc tế.

- Bảo đảm chất lượng nhà giáo thỉnh giảng hoặc người hành nghề dạy học tự do.

- Là căn cứ để đánh giá, điều chỉnh các chương trình đào tạo sư phạm.

- Là cơ sở đánh giá quá trình phát triển nghề nghiệp liên tục của nhà giáo, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Nguyên tắc, nội dung và điều kiện cấp giấy phép hành nghề dạy học theo đề xuất của dự thảo Luật Nhà giáo

- Nguyên tắc cấp giấy phép hành nghề dạy học:

+ Giấy phép hành nghề dạy học được cấp theo cấp học, trình độ đào tạo hoặc phương thức giáo dục;

+ Giấy phép hành nghề dạy học có thời hạn 10 năm và được gia hạn theo quy định;

+ Một người có thể được cấp nhiều giấy phép hành nghề dạy học nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.

- Giấy phép hành nghề dạy học gồm các thông tin cơ bản sau:

+ Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân đối với nhà giáo là người Việt Nam; số hộ chiếu và quốc tịch đối với nhà giáo là người nước ngoài;

+ Trình độ, ngành hoặc chuyên ngành được đào tạo;

+ Cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng, thực hành nghề dạy học;

+ Cấp học, môn học, trình độ đào tạo hoặc lĩnh vực được phép hành nghề dạy học;

+ Thời hạn.

- Người có đủ các điều kiện sau thì được cấp giấy phép hành nghề dạy học:

+ Đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo;

+ Hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thực hành nghề tại cơ sở giáo dục theo quy định.

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao quy định mẫu giấy phép hành nghề dạy học, chương trình và cơ sở giáo dục tổ chức việc bồi dưỡng, thực hành nghề.

(Điều 18 dự thảo Luật Nhà giáo)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn