Lập quy hoạch 30 cảng hàng không tại Việt Nam đến năm 2025

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
18/07/2024 16:54 PM

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 655/QĐ-TTg năm 2024, theo đó đã phê duyệt lập quy hoạch 30 cảng hàng không tại Việt Nam đến năm 2025.

Lập quy hoạch 30 cảng hàng không tại Việt Nam đến năm 2025

Lập quy hoạch 30 cảng hàng không tại Việt Nam đến năm 2025 (Hình từ internet)

Ngày 16/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 655/QĐ-TTg về Ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lập quy hoạch 30 cảng hàng không tại Việt Nam đến năm 2025

Cụ thể, theo Quyết định 655/QĐ-TTg năm 2024 đã lập quy hoạch các cảng hàng không như sau:

- Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch cấp cao hơn và các quy hoạch liên quan, bảo đảm hiệu quả thực hiện quy hoạch, trong đó:

+ Giai đoạn 2021 - 2025: Hoàn thành công tác lập quy hoạch 30 cảng hàng không (gồm 14 Cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 16 Cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa), bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

+ Giai đoạn 2026 - 2030: Hoàn thành công tác nghiên cứu, lập quy hoạch Cảng hàng không Cao Bằng, Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô, Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng.

 - Phối hợp với các địa phương tổ chức lập đề án quy hoạch cảng hàng không tiềm năng (khi có nhu cầu) bao gồm (i) các sân bay phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (Yên Bái, Gia Lâm, Gia Bình), (ii) các vị trí tiềm năng theo đề xuất của các địa phương, có vị trí quan trọng về khẩn nguy, cứu trợ, có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ (gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh) và (iii) các vị trí khác có thế xây dựng, khai thác cảng hàng không khi đủ điều kiện; trong đó đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, điều kiện, khả năng hình thành cảng hàng không cũng như các tác động liên quan, huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức đối tác công tư và xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện.

- Tổ chức đánh giá, rà soát tình hình thực hiện quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch các cảng hàng không khi không triển khai được hoặc bổ sung các cảng hàng không khi có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

- Nguồn vốn lập quy hoạch: Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Như vậy theo quy hoạch trên, thì đến năm 2025 sẽ thực hiện xong công tác lập quy hoạch 30 cảng hàng không trên toàn quốc, bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trách nhiệm tổ chức thực hiện của Bộ Giao thông vận tải trong công tác lập Quy hoạch cảng hàng không

Cũng theo Quyết định 655/QĐ-TTg năm 2024, Bộ Giao thông vận tải thực hiện các công việc sau:

- Tổ chức công bố, cung cấp thông tin và lưu trữ hồ sơ Quy hoạch theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.

- Chủ trì rà soát các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thi hành tạo thuận lợi trong hoạt động lập quy hoạch, đầu tư, quản lý, bảo trì, khai thác hạ tầng giao thông hàng không; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật.

- Ưu tiên cân đối vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung giai đoạn 2026 - 2030 phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện đầu tư các công trình cấp thiết.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo, đánh giá việc thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không định kỳ hằng năm, 05 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

- Chủ trì phối hợp các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để lập, điều chỉnh quy hoạch các cảng hàng không, bảo đảm quốc phòng - an ninh; phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, điều chỉnh phương án tổ chức vùng trời, phương thức bay đối với các sân bay quân sự đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không để bảo đảm tối ưu khai thác và an toàn bay.

- Chủ trì tổng hợp, rà soát đề án quy hoạch cảng hàng không mới của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện hoặc đưa ra ngoài quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch đối với các cảng hàng không chưa bảo đảm hiệu quả, tính khả thi trên cơ sở điều kiện, bối cảnh thực tế.

- Hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không để tổ chức thực hiện, làm cơ sở nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý trong việc huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

- Phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện các nội dung có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Phối hợp với các địa phương nghiên cứu, huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không và quy hoạch sử dụng đất phù hợp, đồng bộ với quy hoạch.

Xem thêm nội dung tại Quyết định 655/QĐ-TTg năm 2024.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,201

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]