Tên gọi đơn vị hành chính sau sáp nhập được đặt thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
16/07/2024 17:31 PM

Về vấn đề tên gọi đơn vị hành chính sau sáp nhập, trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Tên gọi đơn vị hành chính sau sáp nhập

Vấn đề tên gọi đơn vị hành chính sau sáp nhập (Hình từ internet)

Tên gọi đơn vị hành chính sau sáp nhập

Nội dung này được hướng dẫn tại Công văn 2594/BNV-CQĐP năm 2024 một số lưu ý khi xây dựng và trình Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 do Bộ Nội vụ ban hành.

Cụ thể, về tên gọi đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp

Việc đặt tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng gắn với giá trị tinh thần, niềm tự hào, tự tôn cộng đồng dân tộc, cộng đồng dân cư nơi sắp xếp.

Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 và Điều 30 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Điều 6. Đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp

1. Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.

2. Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Điều 30. Tên của đơn vị hành chính thành lập mới và đổi tên đơn vị hành chính

1. Tên được viết bằng chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc thiểu số.

2. Tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh thành lập mới không được trùng với tên của đơn vị hành chính, cùng cấp hiện có trong phạm vi cả nước.

Tên của đơn vị hành chính cấp huyện thành lập mới không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Tên của đơn vị hành chính cấp xã thành lập mới không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong cùng một đơn vị hành chính cấp huyện.

3. Trong trường hợp cần thiết, đơn vị hành chính có thể được đổi tên. Tên mới của đơn vị hành chính này thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Trình tự, thủ tục đổi tên đơn vị hành chính được thực hiện như đối với trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, thận trọng, hợp tình, hợp lý và có giải pháp thực hiện nhằm bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất của người dân; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của Nhân dân đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp.

Các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính

Theo Điều 3 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp:

- Có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề;

- Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào;

- Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023 - 2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

**Trong giai đoạn 2023 - 2025 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021.

**Trong giai đoạn 2026 - 2030 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn 2023 - 2025.

**Đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, nếu địa phương thấy cần thực hiện sắp xếp để tổ chức hợp lý đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo tại phương án tổng thể và đề án sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,841

Bài viết về

Sắp xếp đơn vị hành chính/Sáp nhập huyện xã

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn