Tải App trên Android

06 nguyên tắc phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền TPHCM theo Nghị định 84/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
15/07/2024 11:30 AM

Nội dung bài viết là các nguyên tắc phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền TPHCM.

06 nguyên tắc phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền TPHCM theo Nghị định 84/2024

06 nguyên tắc phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền TPHCM theo Nghị định 84/2024 (Hình từ Internet)

Chính phủ ban hành Nghị định 84/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh).

06 nguyên tắc phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền TPHCM theo Nghị định 84/2024

Theo Điều 3 Nghị định 84/2024/NĐ-CP thì việc phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Thành phố) được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 và Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi 2019) và nội dung cụ thể sau:

(1) Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ trương của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố.

(2) Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của Chính phủ; phát huy trách nhiệm, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của Thành phố trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

(3) Phân cấp quản lý nhà nước gắn liền với việc tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chính quyền Thành phố.

(4) Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực nhằm tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành phố, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, tạo sự chủ động và hoàn thiện cơ chế phân cấp cho chính quyền Thành phố.

(5) Phân cấp quản lý nhà nước đi đôi với việc thực hiện chương trình cải cách hành chính ở các cấp chính quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước của Thành phố; giải quyết kịp thời các khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân.

(6) Việc quy định hoặc điều chỉnh thủ tục hành chính liên quan đến nội dung phân cấp phải bảo đảm nguyên tắc sau:

- Những nội dung phân cấp đã quy định thủ tục hành chính thì điều chỉnh chủ thể thực hiện thủ tục hành chính trên cơ sở hồ sơ và trình tự, thủ tục hiện hành, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính;

- Những nội dung phân cấp chưa quy định thủ tục hành chính thì thực hiện theo trình tự, thủ tục hành chính do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định, bảo đảm đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.

Phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền TPHCM 

Theo Điều 5 Nghị định 84/2024/NĐ-CP thì việc phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền TPHCM như sau:

* Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố:

- Quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách trung ương không hỗ trợ;

- Căn cứ điều kiện, tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của Thành phố, quyết định mức chi đặc thù thêm cho: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; chế độ công tác phí; chế độ chi hội nghị, tiếp khách so với các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách theo quy định hiện hành sau khi Ủy ban nhân dân Thành phố tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính.

* Ủy ban nhân dân Thành phố có thẩm quyền:

- Giao Sở Công Thương cấp và điều chỉnh giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế đầu tư nước ngoài hoạt động trên địa bàn Thành phố đối với các trường hợp sau:

Giấy phép lập cơ sở bán lẻ (bao gồm cơ sở bán lẻ thứ nhất, cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini) được lập trong trung tâm thương mại và có diện tích dưới 500 m2.

Giấy phép lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất (không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini) có diện tích dưới 100 m2, không nằm trong trung tâm thương mại và đã được Hội đồng Kiểm tra nhu cầu kinh tế của thành phố thống nhất chấp thuận cấp phép; cấp điều chỉnh tăng diện tích đối với cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ nhất thỏa mãn 02 điều kiện trên.

Giấy phép lập cơ sở bán lẻ thứ nhất (không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini) có diện tích dưới 500 m2 và cấp điều chỉnh tăng diện tích đến dưới 500 m2 đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất (không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini) đặt ngoài trung tâm thương mại.

- Đặt hàng, giao nhiệm vụ quản lý khai thác, vận hành các tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn Thành phố theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định.

Xem thêm tại Nghị định 84/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/7/2024, bãi bỏ Nghị định 93/2001/NĐ-CP.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,430

Bài viết về

Chính sách mới của TPHCM

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]