Đề xuất về xử phạt hành chính khi vi phạm trong hành nghề khoan nước dưới đất

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
28/06/2024 14:15 PM

Nội dung đề xuất về xử phạt hành chính khi vi phạm trong hành nghề khoan nước dưới đất đề cập tại dự thảo Nghị định.

Xử phạt hành chính khi vi phạm trong hành nghề khoan nước dưới đất

Đề xuất về xử phạt hành chính khi vi phạm trong hành nghề khoan nước dưới đất (Hình từ internet)

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Xử phạt hành chính khi vi phạm trong hành nghề khoan nước dưới đất

Cụ thể, tại Điều 10 dự thảo Nghị định, đã đề cập vi phạm quy định về hành nghề khoan nước dưới đất như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật thông tin, số liệu về cấu trúc địa chất, địa tầng tại các vị trí khoan vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với các hành vi:

+ Không thực hiện báo cáo tổng hợp các công trình khoan nước dưới đất định kỳ hàng năm theo quy định;

+ Không thông báo bằng văn bản về vị trí, quy mô công trình khoan nước dưới đất và thời gian dạ kiến thi công cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

+ Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp có sự thay đổi về người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật;

+ Không báo cáo ngay cho chính quyền địa phương nơi gần nhất khi xảy ra sụt, lún đất trong quá trình thi công công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về hành nghề khoan đối với công trình có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110 mm và có lưu lượng nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm:

+ Cho mượn, cho thuê giấy phép;

+ Hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Thiết kế, thi công khoan điều tra, đánh giá nước dưới đất không theo quy định kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

+ Sử dụng hóa chất để ngâm, rửa giếng khoan gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước;

+ Sử dụng hoá chất, chất phóng xạ sử dụng trong quá trình thí nghiệm gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước;

+ Không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn để nước thải, nước có chứa chất độc hại xâm nhập vào trong giếng khoan, giếng đào;

+ Thực hiện hành nghề không đúng quy mô đã quy định trong giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định hành nghề khoan nước dưới đất đối với công trình có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 250 mm và có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm:

+ Cho mượn, cho thuê giấy phép;

+ Hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm các quy định về hành nghề khoan nước dưới đất với quy mô khác với quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 10 dự thảo Nghị định:

+ Cho mượn, cho thuê giấy phép;

+ Hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Thực hiện bơm hút nước thí nghiệm gây ngập úng, gây hạ thấp mực nước quá giới hạn mực nước khai thác;

+ Tiếp tục khoan giếng khi gây sụt, lún đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm tầng chứa nước hoặc gây sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống nhân dân trong khu vực thi công công trình;

+ Không xử lý, khắc phục sự cố ngập úng hoặc sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng khi khoan giếng hoăc bơm, hút nước thí nghiệm trong khu vực thi công công trình;

+ Tiếp tục bơm hút nước, tháo khô mỏ, hố móng gây hạ thấp mực nước

dưới đất, gây sụt, lún đất.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 3, điểm a khoản 4, điểm a khoản 5 và điểm a khoản 6 Điều 10 dự thảo Nghị định.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3, điểm b khoản 5, điểm b khoản 6 và khoản 7 Điều 10 dự thảo Nghị định mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước;

+ Buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác đối với hành vi vi phạm tại khoản 7 Điều 10 dự thảo Nghị định;

Như vậy, đề xuất quy định trên đã đề cập sửa đổi, bổ sung thêm trường hợp xử phạt vi phạm hành nghề khai thác nước dưới đất so với quy định hiện hành.

Hiện hành, quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trong hành nghề khai thác nước dưới đất được quy định tại Điều 11 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 210

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn