Đề xuất nguyên tắc và căn cứ đánh giá nhà giáo (Hình từ internet)
Căn cứ Điều 35 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về nguyên tắc và căn cứ đánh giá nhà giáo
- Nguyên tắc đánh giá nhà giáo:
+ Đánh giá nhà giáo phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, dân chủ, công bằng, công khai; kịp thời khuyến khích, động viên nhà giáo thăng tiến, phát triển trong hoạt động nghề nghiệp;
+ Việc đánh giá phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của nhà giáo, quá trình nhà giáo rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực nghề nghiệp gắn với các tiêu chí nghề nghiệp theo chuẩn nhà giáo;
+ Việc đánh giá cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ sở giáo dục, quá trình cán bộ quản lý cơ sở giáo dục rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực gắn với các tiêu chí theo chuẩn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục;
+ Nghiêm cấm sử dụng việc đánh giá nhà giáo để thực hiện các hành vi trù dập, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo.
- Căn cứ đánh giá nhà giáo:
+ Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện gắn với từng công tác quản lý, sử dụng nhà giáo cụ thể;
+ Quy định về tiêu chí nghề nghiệp tại chuẩn nhà giáo tương ứng với chức danh nhà giáo hoặc chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục (đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục);
+ Các cam kết trong hợp đồng nhà giáo đã ký kết với cơ sở giáo dục quản lý trực tiếp nhà giáo;
+ Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ sở giáo dục (đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục).
Căn cứ Điều 36 Dự thảo Luật Nhà giáo có quy định nội dung đánh giá nhà giáo gồm:
- Nội dung đánh giá nhà giáo không giữ chức vụ quản lý
+ Tiêu chuẩn quy định tại chuẩn nhà giáo;
+ Kết quả thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục theo từng cấp học hoặc trình độ đào tạo;
+ Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác được giao;
+ Các kết quả đánh giá khác theo yêu cầu cụ thể của công tác quản lý nhà giáo;
+ Điểm mạnh, điểm còn hạn chế và định hướng phát triển hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.
- Nội dung đánh giá cán bộ quản lý cơ sở giáo dục:
Ngoài các nội dung đánh giá theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Dự thảo Luật Nhà giáo, nội dung đánh giá cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thêm các nội dung sau:
+ Kết quả thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị cơ sở giáo dục;
+ Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ sở giáo dục.
- Việc đánh giá nhà giáo được thực hiện định kỳ hằng năm theo năm học hoặc thực hiện tại thời điểm bất kỳ để phục vụ công tác quản lý nhà giáo theo quy định.
Căn cứ Điều 37 Dự thảo Luật Nhà giáo có quy định xếp loại đánh giá nhà giáo.
Đối với việc đánh giá định kỳ hằng năm theo năm học, căn cứ vào kết quả
đánh giá, nhà giáo được xếp loại như sau:
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ;
- Hoàn thành nhiệm vụ;
- Không hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài ra, tại Điều 38 Dự thảo Luật quy định trách nhiệm đánh giá, xếp loại nhà giáo như sau:
- Người đứng đầu cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức đánh giá, xếp loại hoặc phân công, phân cấp việc tổ chức đánh giá, xếp loại nhà giáo không giữ chức vụ quản lý cơ sở giáo dục. Người được giao thẩm quyền đánh giá, xếp loại nhà giáo phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ sở giáo dục về kết quả đánh giá.
- Người có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận chịu trách nhiệm đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Xem thêm nội dung tại Dự thảo Luật Nhà giáo.
Nguyễn Minh Khôi