Trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 05 triệu đồng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Đề xuất)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
02/05/2024 10:25 AM

Cho tôi hỏi dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có đề xuất nào nổi bật không? – Hoài Thương (Bình Phước)

Trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 05 triệu đồng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Đề xuất)

Trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 05 triệu đồng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Đề xuất) (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 05 triệu đồng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Đề xuất)

Theo đó, hướng dẫn về tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự như sau:

Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn là trường hợp đã thực hiện toàn bộ hành vi khách quan nhưng chưa xảy ra bất cứ hậu quả nào của tội phạm hoặc có thiệt hại xảy ra nhưng giá trị thiệt hại không như mức bình thường của khung hình phạt đó và việc chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn phải nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội, không có bất cứ tác động nào của người phạm tội đối với hậu quả của tội phạm.

Ví dụ 1: Rút súng bắn nhưng không trúng người; trộm cắp tài sản ra khỏi nhà nhưng bị bắt quả tang….

Ví dụ 2: Bỏ thuốc độc vào cơm cho người khác ăn để giết người nhưng người đó không chết, chỉ tổn hại 11% sức khỏe; trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 05 triệu đồng....

Như vậy, dự thảo này đã đề xuất trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 05 triệu đồng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Hướng dẫn tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” (Đề xuất)

Về tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự xác định như sau:

- Bị cáo là người chưa thành niên có tài sản riêng hoặc cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

- Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

- Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu;

- Bị cáo không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè…) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra; e) Bị cáo không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra (Ví dụ việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) nhưng đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ, hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nếu bị cáo không có tài sản để bồi thường) và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,157

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn