VKSNDTC giải đáp 8 vướng mắc về tiếp công dân, khiếu nại tố cáo

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
06/03/2024 11:15 AM

Xin cho tôi hỏi VKSNDTC giải đáp 8 vướng mắc về tiếp công dân, khiếu nại tố cáo như thế nào? - Thành Trí (Hòa Bình)

VKSNDTC giải đáp 8 vướng mắc về tiếp công dân, khiếu nại tố cáo

VKSNDTC giải đáp 8 vướng mắc về tiếp công dân, khiếu nại tố cáo (Hình từ internet)

Ngày 28/12/2023, VKSNDTC ban hành Công văn 5610/VKSTC-V12 về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp.

VKSNDTC giải đáp 8 vướng mắc về tiếp công dân, khiếu nại tố cáo

(1) Công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

* Khó khăn, vướng mắc

Câu 1: - Phần mềm điện tử quản lý, theo dõi việc tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo còn nhiều bất cập, lỗi hệ thống; một số biểu mẫu chưa có, như: Biểu mẫu Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Chưa có thống kê đối với chỉ tiêu lưu đơn để theo dõi riêng; chưa có tài liệu hướng dẫn cụ thể cách nhập các loại đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện Kiểm sát.

Trả lời:

Về phần mềm quản lý, theo dõi việc tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo toàn ngành (gọi tắt là phần mềm quản lý đơn): Hiện nay phần mềm quản lý đơn mới tuy đã được đưa vào sử dụng, nhưng vẫn còn trong giai đoạn bảo hành; đề nghị VKS địa phương trong quá trình nhập dữ liệu, khi phát sinh khó khăn, vướng mắc cụ thể thì báo cáo về Vụ 12 để tổng hợp chung, phối hợp với Cục 2 trao đổi với Đơn vị xây dựng phần mềm có giải pháp kỹ thuật khắc phục kịp thời.

Về việc cập nhật phần mềm: Hiện nay VKSND tối cao (Cục 2) đã lập 1 nhóm zalo với thành viên là đại diện các đơn vị trên toàn quốc để hướng dẫn thực hiện việc cập nhật phần mềm. Trường hợp địa phương có vướng mắc gì khi cập nhật đơn thì đề nghị trực tiếp liên hệ trên nhóm zalo để Cục 2 và Đơn vị xây dựng phần mềm hướng dẫn.

Đối với Biểu mẫu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo: Vụ 12 sẽ ghi nhận, tổng hợp và hướng dẫn sau.

Câu 2: - Chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết đối với các đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động tư pháp, dẫn đến việc áp dụng còn tùy nghi, chưa thống nhất;

- Hướng dẫn cụ thể một số điểm mới trong Quy chế tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao) - sau đây gọi tắt là Quy chế 222.

Trả lời:

Pháp luật hiện hành về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết đối với các đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động tư pháp; Vụ 12 sẽ ghi nhận, tổng hợp và phối hợp Vụ 14 tổng hợp chung để kiến nghị, đề xuất khi cấp có thẩm quyền triển khai sửa đổi quy định của pháp luật.

Đối với đề nghị hướng dẫn các điểm mới trong Quy chế 222: Đề nghị địa phương nghiên cứu tập Tài liệu tập huấn công tác tiếp công dân; kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Vụ 12 năm 2023.

* Kiến nghị, đề xuất

Câu 3: Đề nghị VKSND tối cao hoàn thiện phần mềm quản lý đơn; sửa đổi, bổ sung Hệ thống biểu mẫu để áp dụng thống nhất trong toàn Ngành.

Trả lời:

VKSND tối cao đã ban hành Danh mục biểu mẫu công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của ngành kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định 28/QĐ-VKSTC ngày 15/02/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Tại Hội nghị tập huấn công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (tổ chức ngày 23/10/2023), VKSND tối cao đã giới thiệu nội dung này và đề nghị các đơn vị trong toàn ngành thống nhất thực hiện. Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề nghị kịp thời báo cáo về Vụ 12 VKSTC để tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Câu 4: Đề nghị VKSND tối cao hướng dẫn, giải đáp và thông báo rút kinh nghiệm chung toàn Ngành để thực hiện thống nhất

Trả lời: Xác định là yêu cầu quan trọng của công tác xây dựng Ngành, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, VKSND tối cao (Vụ 12) thường xuyên tổng hợp khó khăn vướng mắc của VKSND cấp dưới để kịp thời tháo gỡ; đồng thời, tăng cường triển khai nhiều biện pháp nhằm kịp thời phát hiện vi phạm trong thực hiện chức năng để ban hành thông báo rút kinh nghiệm tránh lặp lại những sai sót tương tự. Trong năm 2023, VKSND tối cao (Vụ 12) đã ban hành 02 Văn bản giải đáp vướng mắc và 05 Thông báo rút kinh nghiệm (trong đó có 01 Thông báo rút kinh nghiệm tổng hợp).

Câu 5: Đề nghị VKSND tối cao sửa đổi Quy trình tiếp công dân và Quy trình giải quyết, kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo để vận dụng phù hợp; ban hành hướng dẫn cụ thể Quy chế 222/QĐ-VKSTC để thực hiện thống nhất trong toàn Ngành

Trả lời:

Chương trình công tác năm 2024 của Vụ 12 đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Kế hoạch; triển khai nghiên cứu, khảo sát, sơ kết 3 năm và tổng kết 5 năm việc triển khai thực hiện 02 Quy trình nghiệp vụ: Quy định về quy trình tiếp công dân trong ngành kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định 249/QĐ-VKSTC ngày 9/7/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao - sau đây gọi tắt là Quy trình 249) và Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định 546/QĐ-VKSTC ngày 03/12/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao - sau đây gọi tắt là Quy trình 546).

Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi theo hướng nhập và ban hành Quy trình hợp nhất trong công tác tiếp công dân; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết; kiểm tra quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đề nghị VKSND địa phương trong quá trình thực hiện, quan tâm tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, hoặc phát hiện quy định chưa phù hợp, bất cập gửi về Vụ 12 để tổng hợp chung, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao xem xét quyết định việc sửa đổi, bổ sung các quy định này.

Đối với đề nghị ban hành hướng dẫn cụ thể Quy chế 222/QĐ-VKSTC; VKS địa phương cần nghiên cứu kỹ tài liệu tập huấn công tác năm 2023 của Vụ 12.

Câu 6: Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho công chức làm công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Trả lời:

Đây là yêu cầu rất quan trọng của công tác xây dựng Ngành, luôn được lãnh đạo VKSND tối cao đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Năm 2023, VKSND tối cao đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tiếp công dân; giải quyết và kiểm giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp trong toàn ngành. Trong năm 2024, VKSND tối cao dự kiến tổ chức hội nghị tập huấn công tác kiểm sát và giải quyết đơn KNTC trong toàn ngành với các nội dung: Sơ, tổng kết việc thực hiện Quy trình 249 và Quy trình 546; Sơ kết 02 năm thực hiện Kế hoạch số 46/KH-VKSTC ngày 15/3/2023 của VKSND tối cao về thực hiện Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” trong Ngành Kiểm sát; Báo cáo chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính”. Để hội nghị có chất lượng, đạt yêu cầu; đề nghị các đơn vị, địa phương trong toàn ngành tiếp tục tổng hợp những vướng mắc hoặc kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến các nội dung trên, chuẩn bị xây dựng báo cáo và tham luận tại Hội nghị.

(2) Công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

* Khó khăn, vướng mắc

Câu 7: Quy trình 249 còn một số điểm còn chưa hoàn thiện, như: Việc công dân đến khiếu nại, tố cáo đề nghị ghi âm, ghi hình hoặc cán bộ tiếp công dân phát hiện công dân bí mật ghi âm, ghi hình không được đề cập đến trong quy trình; Thiếu quy định về nguyên tắc trong tiếp công dân và các hành vi bị nghiêm cấm trong tiếp công dân; Chưa có quy định đối với trường hợp công dân tập trung đông người, đề nghị gặp Lãnh đạo Viện, vừa khiếu nại, vừa tố cáo và hướng xử lý.

Quy trình 546 còn một số điểm còn chưa hoàn thiện, như: Trường hợp người khiếu nại yêu cầu tiếp cận thông tin (điểm d khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại: “Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước”) nhưng trong quy trình cũng chưa có quy định.

Trả lời:

Đối với các quy định có liên quan trong Tiếp công dân (về việc ghi âm, ghi hình trong tiếp công dân; Tiếp công dân trường hợp tập trung đoàn đông người; Các hành vi bị nghiêm cấm trong tiếp công dân; Nguyên tắc tiếp công dân; Đề nghị gặp Lãnh đạo Viện...)

Những nội dung này được quy định tại Luật tiếp công dân; Nội quy tiếp công dân của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (ban hành kèm theo Quyết định 242/QĐ-VKSTC ngày 26/7/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao); được giải đáp tại các văn bản số 355/VKSTC-V12 ngày 25/02/2019; văn bản số 1066/VKSTC-V12 ngày 22/3/2021 về Giải đáp một số khó khăn vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn KNTC trong HĐTP; văn bản số 4409/VKSTC-V12 ngày 14/11/2022 về Quy trình phối hợp giữa Vụ 12 với các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao trong công tác tham mưu về việc tiếp công dân của Lãnh đạo VKSND tối cao”. Đề nghị VKSND cấp cao tại Hà Nội nghiên cứu thực hiện.

Trường hợp người khiếu nại yêu cầu tiếp cận thông tin: (điểm d, khoản 1, Điều 12 Luật Khiếu nại 2011): Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, không thể quy định trong Quy trình 546 được, vì các lý do sau:

Một là, căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Luật Tố tụng hành chính 2015... không quy định đối tượng này được tiếp cận thông tin (các hình thức: được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ...) của người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại

Hai là, Quy trình 546 là quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo... trong hoạt động tư pháp của ngành kiểm sát, nên không thể hướng dẫn các quy định của Luật Khiếu nại, do luật này điều chỉnh việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại về hành vi hành chính, quyết định hành chính.

Câu 8: Đề nghị VKSND tối cao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định, hướng dẫn về ghi âm, ghi hình đối với công dân đến khiếu nại, tố cáo; về nguyên tắc trong tiếp công dân và các hành vi bị nghiêm cấm trong tiếp công dân; công dân tập trung đoàn đông người và bổ sung người khiếu nại yêu cầu tiếp cận thông tin.

Trả lời:

Đề nghị VKSND cấp cao tại Hà Nội nghiên cứu và thực hiện những nội dung đã giải đáp đối với câu hỏi số 1 mục 1 phần II nêu trên.

Ngoài ra, đối với trường hợp người khiếu nại tiếp cận thông tin theo quy định của Luật Khiếu nại 2011 thì cần lưu ý: việc cung cấp thông tin phải bảo đảm thực hiện đúng các quy định tại “Quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong việc xây dựng, tạo lập, quản lý văn bản, tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc VKSND được áp dụng đối với các đơn vị thuộc VKSND tối cao; cán bộ, KSV, ĐTV, KTV, công chức, viên chức, người lao động trong ngành KSND và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan” (ban hành kèm theo Quyết định số 247/QĐ-VKSTC ngày 06/8/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao).

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,139

Bài viết về

Khiếu nại - Tố cáo

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]