18/07/2011 16:52 PM

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, tờ Jakarta Post đã đăng tải bài bình luận của tác giả Bambang Hartadi Nugroho - nhà nghiên cứu tại khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Indonesia.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, tờ Jakarta Post đã đăng tải bài bình luận của tác giả Bambang Hartadi Nugroho - nhà nghiên cứu tại khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Indonesia.

Cách hành xử của siêu cường

Vấn đề Biển Đông một lần nữa thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong tháng trước. Việc tuyên bố chủ quyền chồng lấn với vùng biển nằm ở phía nam Trung Quốc giữa chính nước này và các quốc gia Đông Nam Á gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam - đã trở thành nỗi quan ngại chiến lược thực sự vì nó liên quan tới một cường quốc khu vực đang trỗi dậy với quan điểm và các mục tiêu luôn được giữ kín cho dù trải qua nhiều năm tương tác với cộng đồng quốc tế.

Ảnh: Long Anh
Những tranh cãi về Biển Đông chắc chắn sẽ là cục nam châm thu hút Mỹ với tư cách một cường quốc toàn cầu. Điều đáng chú ý là, các nước tranh chấp chủ quyền hàng hải với Trung Quốc đang dõi theo thái độ của Bắc Kinh để có thể quyết định phản ứng thế nào và đưa ra chọn lựa tốt nhất nhằm quản lý xung đột.

Ở vị trí một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm chú ý của rất nhiều người, từ các nhà hoạch định chính sách tới học giả nghiên cứu. Một trong những quan tâm lớn nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ đem lại cho nước này vị trí siêu cường mới thế nào và cách hành xử ra sao.

Trong năm 2007, giáo sư Avery Goldstein, Đại học Pennsylvania đã đưa ra hai chọn lựa để giải thích sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một là coi sự trỗi dậy ấy có thể dẫn tới con đường chuyển giao quyền lực, đặc biệt ở Đông và Đông Nam Á. Trích dẫn lý thuyết ổn định bá quyền, lập luận này coi sự trỗi dậy của Trung Quốc cho thấy nước này đang tiến tới con đường thay thế vai trò của Mỹ như một nước bá chủ trong khu vực - thậm chí là toàn cầu.

Với trường hợp tranh chấp Biển Đông, quan điểm này có thể thấy rõ khi Trung Quốc thực thi các nỗ lực phá vỡ cấu trúc an ninh trong khu vực trước nay vẫn dưới tầm của chiếc ô an ninh Mỹ. Có thể coi chiến lược lâu dài của Trung Quốc khi họ phát triển hải quân biển xanh là một dấu hiệu mạnh mẽ của dự đoán này trong tương lai.

Mặt khác, Goldstein còn đưa ra quan điểm lạc quan hơn về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Viễn cảnh này không nhất thiết phải tin rằng, Trung Quốc đang trải qua quá trình trỗi dậy hoàn toàn hòa bình, nhưng nó cũng phủ nhận những lo lắng của hầu hết các nước trước người khổng lồ châu Á.

Viễn cảnh ấy lập luận rằng, mặc dù thường xuyên có quan điểm cứng rắn về các vấn đề cụ thể, bao gồm cả chủ quyền lãnh thổ, những các diễn biến gần đây cho thấy, Trung Quốc đã sẵn sàng tham gia vào một số cơ chế và thể chế đa phương. Mọi người có thể thấy việc Trung Quốc gia nhập WTO như một sự kiện ý nghĩa để minh chứng cho lập luận ấy.

Giải pháp chính trị

Với ASEAN, Trung Quốc háo hức tham gia những cơ chế đa phương như Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác (TAC) năm 2003. Một năm trước đó, họ cũng bảo đảm sẽ tuân thủ Tuyên bố Ứng xử (DOC) liên quan tới tranh chấp Biển Đông.

Dù hai thỏa thuận trên không có ràng buộc pháp lý, nhưng cả TAC và DOC cho thấy thiện ý của Trung Quốc để tạo ra một khu vực ổn định và hòa bình.

Song rõ ràng mặc dù không có bổn phận pháp lý với các thỏa thuận, nhưng Trung Quốc thực sự có một trách nhiệm chính trị để hành động theo đúng những gì họ từng nhất trí.

Trong những tình huống ít chính thức, Trung Quốc cũng đã tham dự các cuộc hội thảo về Biển Đông bằng cách gửi các học giả và quan chức tới đây.

Với hai mô hình trên, mọi thứ giờ đây phụ thuộc vào ASEAN trong việc quyết định những gì họ tin tưởng, và hành động một cách phù hợp. Tuy vậy, từ tình hình hiện nay có thể thấy quan điểm của ASEAN là kiểu nước đôi. Có khoảng cách đáng kể giữa vị trí của ASEAN ở tư cách một nhóm, và các chính sách riêng rẽ của các thành viên.

Khoảng cách này rõ ràng làm xói mòn các nỗ lực của ASEAN nhằm tìm ra một giải pháp chính trị và có thể gửi đi tín hiệu sai lầm với đối phương chung của họ - Trung Quốc. Chọn lựa giải pháp chính trị của ASEAN thay vì giải pháp quân sự cho tranh chấp không chỉ bởi các cam kết giải quyết hòa bình, mà còn bởi khối này hiểu rõ hạn chế của mình khi so sánh sức mạnh với những nước lớn khác. ASEAN hiểu rằng họ khó có cơ hội nếu đối đầu quân sự với Trung Quốc về Biển Đông, vì thế, họ tìm tới các giải pháp chính trị.

Một lần nữa, quyết định lại tùy thuộc vào ASEAN, đặc biệt là các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, về các chọn lựa họ sẽ tính đến. Tuy nhiên, chọn lựa thông minh là tiếp tục thu hút Trung Quốc vào các thỏa thuận đa phương trong khi giữ thái độ kiềm chế ở các vùng tranh chấp.

  • Thái An (Theo Jakartapost)


Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,004

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn