Tổng cục Thuế tuyển dụng công chức năm 2024 với 1001 chỉ tiêu

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
21/02/2024 15:08 PM

Cho tôi hỏi năm 2024 thì Tổng cục Thuế đã thông báo kế hoạch tuyển dụng công chức với bao nhiêu chỉ tiêu? - Quốc Khánh (Cần Thơ)

Tổng cục Thuế tuyển dụng công chức năm 2024 với 1001 chỉ tiêu

Tổng cục Thuế tuyển dụng công chức năm 2024 với 1001 chỉ tiêu (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tổng cục Thuế tuyển dụng công chức năm 2024 với 1001 chỉ tiêu

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế về thông báo kế hoạch tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế năm 2024 như sau:

Năm 2024, Bộ Tài chính đã phê duyệt 02 Kế hoạch tuyển dụng công chức để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt tự nhiên (do nghỉ hưu theo chế độ; thôi việc tự nguyện…) và thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về làm việc trong ngành Thuế, gồm:

- Kế hoạch tuyển dụng công chức theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP với 40 chỉ tiêu tại Cơ quan Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh theo hình thức xét tuyển;

- Kế hoạch tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế năm 2024 với 961 chỉ tiêu tại Cơ quan Tổng cục Thuế và 62 Cục Thuế tỉnh, thành phố theo hình thức thi tuyển. 

Vì vậy, Tổng cục Thuế thông tin về chủ trương triển khai 02 Kế hoạch tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế năm 2024 để các thí sinh có nhu cầu dự tuyển được biết, chủ động ôn luyện, theo dõi và đăng ký dự tuyển. Mọi thông tin liên quan đến 02 Kế hoạch tuyển dụng, Tổng cục Thuế, Hội đồng tuyển dụng sẽ thực hiện Thông báo rộng rãi trên các trang thông tin điện tử của ngành Thuế, tại Trụ sở cơ quan Thuế về chỉ tiêu, thời gian, địa điểm nộp hồ sơ và các thông tin khác liên quan để thí sinh biết và thực hiện.

Như vậy, theo 02 Kế hoạch tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế năm 2024 thì sẽ có tổng cộng 1001 chỉ tiêu.

Kế hoạch tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế năm 2024 với 961 chỉ tiêu tại Cơ quan Tổng cục Thuế và 62 Cục Thuế tỉnh, thành phố theo hình thức thi tuyển tại Quyết định 246/QĐ-BTC ngày 07/02/2024.

>> Xem thêm: Bảng chỉ tiêu thi tuyển công chức Tổng cục Thuế năm 2024 tại đây

2. Các chức danh và mã số ngạch công chức chuyên ngành thuế

Chức danh và mã số ngạch công chức chuyên ngành thuế theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 29/2022/TT-BTC bao gồm:

- Kiểm tra viên cao cấp thuế

Mã số ngạch: 06.036

- Kiểm tra viên chính thuế

Mã số ngạch: 06.037

- Kiểm tra viên thuế

Mã số ngạch: 06.038

- Kiểm tra viên trung cấp thuế

Mã số ngạch: 06.039

- Nhân viên thuế

Mã số ngạch: 06.040

3. Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn với nhân viên thuế (mã số 06.040) 

Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn với nhân viên thuế (mã số 06.040) theo Điều 13 Thông tư 29/2022/TT-BTC như sau:

* Chức trách

Nhân viên thuế là công chức thừa hành, thực hiện nhiệm vụ đơn giản về chuyên môn nghiệp vụ của ngành thuế; trực tiếp thực hiện một phần hành công việc thuộc nghiệp vụ quản lý thuế theo sự phân công của đơn vị.

* Nhiệm vụ

- Tham gia xây dựng kế hoạch công việc tháng, quý, năm và kế hoạch thu thuế và thu khác của đơn vị thuộc lĩnh vực được phân công quản lý;

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ:

+ Xác định các đối tượng nộp thuế thuộc phạm vi quản lý để có biện pháp quản lý phù hợp theo quy định của pháp luật thuế;

+ Hướng dẫn đối tượng nộp thuế thực hiện việc đăng ký thuế, khai thuế, cấp mã số thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ thuế. Đồng thời giải thích cho đối tượng nộp thuế hiểu rõ chính sách thuế thuộc phần hành quản lý;

+ Tiếp nhận tờ khai đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, kiểm tra xác định tính đúng đắn, chính xác căn cứ tính thuế để có nhận xét chính thức vào tờ khai nộp thuế của đối tượng nộp thuế;

+ Tính thuế, lập sổ bộ thuế, phát hành thông báo nộp thuế, lệnh thu thuế, nộp phạt tiền thuế;

+ Theo dõi đôn đốc để thu đúng, thu đủ, kịp thời số tiền thuế vào Kho bạc Nhà nước;

+ Thực hiện kiểm tra về nghĩa vụ nộp thuế của đối tượng nộp thuế trong phạm vi quản lý, lập biên bản trường hợp vi phạm chính sách thuế để trình cấp có thẩm quyền xử lý;

- Phối hợp với đồng nghiệp, cơ quan liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế;

- Quản lý hồ sơ tài liệu thuộc phần hành quản lý theo quy định hiện hành;

- Chịu sự hướng dẫn quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của công chức chuyên môn ngạch cao hơn và của cấp trên.

* Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

- Nắm được tình hình kinh tế xã hội ở địa bàn thuộc phạm vi quản lý để triển khai thực hiện;

- Có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thuế;

- Nắm được kiến thức thuế, pháp luật thuế, pháp luật về hành chính;

- Nắm được mục đích, nội dung, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế áp dụng cho các đối tượng nộp thuế thuộc phạm vi quản lý;

- Nắm được nguyên tắc, phương pháp lập và quản lý sổ bộ thuế;

- Có kỹ năng đọc hiểu và soạn thảo văn bản hành chính thông thường và sử dụng phần mềm máy tính quản lý thuế và các công cụ khác;

- Có kỹ năng lập kế hoạch và kiểm tra đánh giá công việc.

* Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.


 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 21,622

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn