Sáng kiến trong ngành Ngân hàng là gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
02/02/2024 16:00 PM

Tôi muốn biết sáng kiến trong ngành Ngân hàng là gì? Phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến trong ngành Ngân hàng được quy định ra sao? – Minh Ánh (Tây Ninh)

Sáng kiến trong ngành Ngân hàng là gì?

Sáng kiến trong ngành Ngân hàng là gì? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 31/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 25/2023/TT-NHNN quy định về công tác thi đua, khen thưởng ngành Ngân hàng.

Sáng kiến trong ngành Ngân hàng là gì?

Sáng kiến trong ngành Ngân hàng là các giải pháp có tính mới được tạo ra hoặc cải tiến các giải pháp trước đó được áp dụng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, mang lại lợi ích thiết thực (hiệu quả kinh tế hoặc lợi ích xã hội), nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác có khả năng nhân rộng và được cấp có thẩm quyền công nhận bao gồm:

- Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm đạt mục đích nhất định trong công việc;

- Giải pháp kỹ thuật là cách thức, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ xác định;

- Giải pháp tác nghiệp là việc tham mưu, đề xuất các phương pháp thực hiện nhiệm vụ giúp chủ thể quản lý giải quyết công việc đạt hiệu quả;

- Giải pháp ứng dụng tiến bộ, khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới là phương pháp, cách thức, biện pháp áp dụng giải pháp kỹ thuật đã biết vào thực tiễn hoạt động ngân hàng.

(Khoản 1 Điều 4 Thông tư 25/2023/TT-NHNN)

Phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến trong ngành Ngân hàng

Phạm vi ảnh hưởng của các sáng kiến trong ngành Ngân hàng được quy định như sau:

- Sáng kiến đạt hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong toàn quốc là các giải pháp có tính mới được tạo ra hoặc cải tiến các giải pháp trước đó, được áp dụng trong ngành Ngân hàng mang lại lợi ích thiết thực có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc;

- Sáng kiến đạt hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong ngành Ngân hàng là các giải pháp có tính mới được tạo ra hoặc cải tiến các giải pháp trước đó, được áp dụng và mang lại lợi ích thiết thực có phạm vi ảnh hưởng trong ngành Ngân hàng;

- Sáng kiến đạt hiệu quả và có khả năng nhân rộng ở cơ sở là các giải pháp có tính mới được tạo ra hoặc cải tiến các giải pháp trước đó, được áp dụng và mang lại lợi ích thiết thực có phạm vi ảnh hưởng trong đơn vị.

(Khoản 2 Điều 4 Thông tư 25/2023/TT-NHNN)

Ai có thẩm quyền công nhận sáng kiến trong ngành Ngân hàng?

Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến trong ngành Ngân hàng và toàn quốc.

Còn Thủ trưởng đơn vị công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến trong ngành Ngân hàng ở cơ sở.

(Điều 15 Thông tư 25/2023/TT-NHNN)

Thành phần Hội đồng sáng kiến trong ngành Ngân hàng bao gồm những ai?

Theo quy định, Ngân hàng Nhà nước thành lập Hội đồng sáng kiến ngành Ngân hàng. Các đơn vị thành lập sẽ thành lập Hội đồng sáng kiến của đơn vị.

Về thành phần trong Hội đồng:

- Đối với Hội đồng sáng kiến ngành Ngân hàng sẽ bao gồm:

+ Chủ tịch: Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phụ trách công tác thi đua, khen thưởng ngành Ngân hàng.

+ Phó Chủ tịch Thường trực: Vụ trưởng Tổ chức cán bộ.

+ Các Ủy viên và Thư ký do Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

- Đối với Hội đồng sáng kiến của đơn vị sẽ bao gồm:

+ Chủ tịch: Thủ trưởng đơn vị.

+ Chủ tịch Hội đồng quyết định cơ cấu, thành phần các thành viên.

Nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng sáng kiến trong ngành Ngân hàng sẽ được thực hiện như sau:

- Nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ quyền hạn cụ thể của Hội đồng sáng kiến ngành Ngân hàng thực hiện theo Quy chế làm việc do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.

- Nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ quyền hạn cụ thể của Hội đồng sáng kiến của đơn vị thực hiện theo quy chế làm việc do đơn vị quy định.

(Điều 19, Điều 24, Điều 25, Điều 26 Thông tư 25/2023/TT-NHNN)

Xem thêm tại Thông tư 25/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 28/02/2024 và thay thế Thông tư 17/2019/TT-NHNN.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,273

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn