Đổi mới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
22/01/2024 10:00 AM

Xin cho tôi hỏi đổi mới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào? - Nai Tuyết (Cao Bằng)

Đổi mới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 18/01/2024, Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Dự kiến Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trừ quy định tại Điều 190 và Điều 248 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/04/2024.

Luật Đất đai 2024 sẽ thay thế Luật Đất đai 2013.

Đổi mới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Theo đó, so với Luật Đất đai 2013 chỉ quy định về chính sách đất đai đối với người dân tộc thiểu số như: 

- Có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

- Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.

Thì Luật Đất đai 2024 quy định chi tiết hơn về các chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số như sau:

(1) Có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

(2) Có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống như sau:

- Giao đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất;

- Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

- Giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất;

- Cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất;

- Hạn mức giao đất, cho thuê đất quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính cho tổng diện tích đất được Nhà nước giao, cho thuê trong quá trình thực hiện các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

(3) Có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản (2) nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như sau:

- Trường hợp không còn đất ở thì được giao tiếp đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Trường hợp thiếu đất ở thì cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất;

- Trường hợp không còn hoặc thiếu đất nông nghiệp thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền hoặc cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất.

(4) Đất để thực hiện chính sách quy định tại các khoản (1), (2) và (3) được bố trí từ quỹ đất do Nhà nước quản lý hoặc từ quỹ đất thu hồi theo quy định tại khoản 29 Điều 79 Luật Đất đai 2024.

(5) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số theo quy định tại khoản (3).

(6) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện.

(7) Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về các trường hợp không còn, thiếu hoặc không có đất để giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản (2) và khoản (3); 

Các trường hợp vi phạm chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản (3) mà không còn nhu cầu sử dụng đất mà phải thu hồi đất để tiếp tục thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định..

(8) Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất theo quy định tại khoản 29 Điều 79 Luật Đất đai 2024; kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và các chi phí khác để thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được bố trí từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nội dung đã được nghiên cứu, bổ sung đưa vào quy định trong Luật Đất đai sửa đổi. Luật được thông qua đã quy định các chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng; giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Lưu ý: Nội dung trên được trích từ bản dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được cập nhật mới nhất đến ngày 18/01/2024. Bài viết sẽ được tiếp tục khi có toàn văn Luật Đất đai 2024.

Xem thêm nội dung tại dự thảo Luật Đất đai 2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,059

Bài viết về

Luật Đất đai 2024

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn