Ngân hàng được giảm thiểu rủi ro tín dụng bằng những biện pháp nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
08/01/2024 15:00 PM

Xin cho tôi hỏi ngân hàng được giảm thiểu rủi ro tín dụng bằng những biện pháp nào? - Thụy Vy (Hải Dương)

Ngân hàng được giảm thiểu rủi ro tín dụng bằng những biện pháp nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 29/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

1. Ngân hàng được giảm thiểu rủi ro tín dụng bằng những biện pháp nào?

Theo khoản 2 Điều 11 Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được điều chỉnh giảm giá trị khoản phải đòi, giao dịch theo các biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng theo quy định dưới đây.

Việc giảm thiểu rủi ro tín dụng được thực hiện bằng một hoặc kết hợp các biện pháp sau đây:

- Tài sản bảo đảm;

- Bù trừ số dư nội bảng;

- Bảo lãnh của bên thứ ba;

- Sản phẩm phái sinh tín dụng.

2. Nguyên tắc giảm thiểu rủi ro tín dụng như thế nào?

Việc giảm thiểu rủi ro tín dụng phải đảm bảo nguyên tắc sau đây:

- Biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan. Hồ sơ (giấy tờ, văn bản,...) của sản phẩm phái sinh tín dụng và bù trừ số dư nội bảng phải được các bên ký hợp lệ, phải nêu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên tham gia, có hiệu lực pháp lý và thường xuyên được rà soát để đảm bảo yêu cầu tính hợp lệ, hợp pháp của các hồ sơ;

- Đối với các biện pháp giảm thiểu rủi ro (tài sản bảo đảm, bù trừ số dư nội bảng, sản phẩm phái sinh tín dụng) có thời hạn, khi thời hạn còn lại của biện pháp giảm thiểu rủi ro ngắn hơn thời hạn còn lại của khoản phải đòi, việc điều chỉnh giảm giá trị khoản phải đòi chỉ được thực hiện đối với biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng có thời hạn gốc từ một năm trở lên và thời hạn còn lại từ ba tháng trở lên;

- Giá trị điều chỉnh giảm của biện pháp giảm thiểu rủi ro phải hiệu chỉnh khi thời hạn còn lại của biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng ít hơn thời hạn còn lại của khoản phải đòi, giao dịch (sau đây gọi là độ lệch thời hạn);

- Trường hợp biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng và khoản phải đòi, giao dịch không cùng một loại tiền tệ (sau đây gọi là độ lệch tiền tệ), giá trị điều chỉnh giảm của biện pháp giảm thiểu rủi ro phải hiệu chỉnh theo độ lệch tiền tệ;

- Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có các chiến lược, chính sách, quy trình để quản lý rủi ro khác (rủi ro hoạt động, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường...) phát sinh từ việc giảm thiểu rủi ro tín dụng và đảm bảo vốn yêu cầu tương ứng đối với các rủi ro đó theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN;

- Trường hợp kết hợp hai hoặc nhiều biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng khác nhau cho một khoản phải đòi, giao dịch thì ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải phân tách các phần giao dịch, khoản phải đòi theo từng biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng để tính riêng giá trị số dư của từng phần của khoản phải đòi, giao dịch đó theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN

Trường hợp không phân tách được các phần giao dịch, khoản phải đòi theo từng biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng một biện pháp có giá trị giảm thiểu rủi ro nhiều nhất.

3. 06 loại tài sản bảo đảm giảm thiểu rủi ro tín dụng tại ngân hàng

Theo đó, Điều 12 Thông tư 41/2016/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 22/2023/TT-NHNN) quy định 06 loại tài sản bảo đảm giảm thiểu rủi ro tín dụng sau đây:

- Tiền mặt, giấy tờ có giá, thẻ tiết kiệm do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành;

- Vàng (vàng vật chất, vàng tiêu chuẩn, vàng trang sức với giá trị được chuyển đổi giá trị sang vàng 99.99);

- Giấy tờ có giá do Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các ngân hàng chính sách phát hành hoặc bảo lãnh thanh toán;

- Chứng khoán nợ do chính phủ các nước, tổ chức công lập của chính phủ các nước phát hành được doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm độc lập xếp hạng từ BB- trở lên;

- Chứng khoán nợ do doanh nghiệp phát hành được doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm độc lập xếp hạng từ BBB- trở lên;

- Cổ phiếu được niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, tài sản bảo đảm quy định nêu trên phải đảm bảo:

- Tuân thủ đúng quy định pháp luật về giao dịch đảm bảo;

- Giấy tờ có giá, chứng khoán nợ, cổ phiếu không do khách hàng và (hoặc) công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết của khách hàng phát hành hoặc bảo lãnh thanh toán.

- Tài sản bảo đảm là chứng khoán nợ do doanh nghiệp phát hành và cổ phiếu phải có giao dịch khớp lệnh trong thời gian 10 ngày làm việc liền kề trước thời điểm tính toán và được tính theo giá thị trường tham chiếu hàng ngày (daily mark-to- market).

(Điều 11 Thông tư 41/2016/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 22/2023/TT-NHNN))

Thông tư 22/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,185

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]