Tiêu chí, thang điểm xét, tặng Giải thưởng Lao động sáng tạo trong Công đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
04/12/2024 21:45 PM

Sau đây là tiêu chí, thang điểm xét, tặng Giải thưởng Lao động sáng tạo trong Công đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam được quy định trong Thông tư 99/2024/TT-BQP.

Tiêu chí, thang điểm xét, tặng Giải thưởng Lao động sáng tạo trong Công đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam

Tiêu chí, thang điểm xét, tặng Giải thưởng Lao động sáng tạo trong Công đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam (Hình từ Internet)

Ngày 22/11/2024, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 99/2024/TT-BQP về Quy chế xét, tặng Giải thưởng Lao động sáng tạo trong Công đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiêu chí, thang điểm xét, tặng Giải thưởng Lao động sáng tạo trong Công đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam

Theo quy định tại Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 99/2024/TT-BQP thì tiêu chí, thang điểm xét, tặng Giải thưởng Lao động sáng tạo trong Công đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam thì tổng điểm tối đa cho một công trình là 100 điểm, trên 04 tiêu chí, cụ thể:

- Giá trị khoa học của công trình (tính mới, tính sáng tạo): Tối đa 25 điểm và đảm bảo các tiêu chí:

+ Công trình đề cập những giải pháp chưa được công bố trong và ngoài Quân đội;

+ Công trình tham gia xét, tặng Giải thưởng là kết quả của quá trình nghiên cứu, sáng tạo trong công tác hoạt động khoa học, công nghệ, lao động sản xuất, kinh doanh tạo ra.

- Hiệu quả quốc phòng - an ninh và kinh tế - xã hội (tính kết quả): Tối đa 35 điểm. Đạt được các tiêu chí:

+ Góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng công việc chuyên môn và đời sống văn hóa, tinh thần; xây dựng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tạo tiền đề để nhân dân ổn định đời sống nơi đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo thuộc địa bàn chiến lược; làm công tác dân vận, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh; đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn lao động; bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện sinh hoạt.

+ Đem lại lợi ích trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội.

- Khả năng áp dụng của công trình (tính thực tiễn): Tối đa 30 điểm. Đạt được các tiêu chí:

+ Có khả năng áp dụng ở quy mô rộng lớn, được phổ biến rộng rãi;

+ Có tính khả thi trong nghiên cứu, chế tạo, áp dụng, sử dụng;

+ Nguyên vật liệu dễ khai thác, giá thành thấp và thay thế hàng nhập khẩu.

- Khả năng phát triển của công trình (tính phát triển): Tối đa 10 điểm.

Công trình có khả năng tiếp tục nghiên cứu, phát triển sau khi đạt giải.

Yêu cầu của việc trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng

Yêu cầu của việc trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được quy định cụ thể tại Điều 25 Nghị định 98/2023/NĐ-CP như sau:

- Việc tổ chức lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải mang ý nghĩa tôn vinh tập thể và cá nhân, giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng; gắn với các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương và đất nước; bảo đảm an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương, hình thức.

- Thực hiện nếp sống văn minh, bảo tồn giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc trong lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

- Không tổ chức riêng lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Chỉ được tổ chức kết hợp trong lễ kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập, ngày truyền thống của bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị, hội nghị tổng kết theo chương trình cụ thể và thực hiện đúng quy định tại Nghị định 98/2023/NĐ-CP (trừ trường hợp trao tặng hình thức khen thưởng đối với thành tích xuất sắc đột xuất, khen thưởng thành tích kháng chiến và danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”).

- Đại diện lãnh đạo tập thể, hộ gia đình được khen thưởng trực tiếp đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của tập thể, hộ gia đình. Cá nhân được khen thưởng trực tiếp đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Trường hợp truy tặng, đại diện gia đình của người được truy tặng nhận thay.

- Trao tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng từ thứ bậc cao đến thứ bậc thấp. Trường hợp cùng một hình thức khen thưởng thì trao tặng cho tập thể, hộ gia đình trước, cá nhân sau; trao tặng trước, truy tặng sau. Trường hợp danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng do cùng một cấp quyết định khen thưởng thì trao tặng danh hiệu thi đua trước, hình thức khen thưởng sau; trao tặng cho tập thể trước, hộ gia đình, cá nhân sau; trao tặng trước, truy tặng sau.

- Trong khi công bố, trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, người không có trách nhiệm không tặng hoa, quay phim, chụp ảnh trên lễ đài. Không tổ chức diễu hành hoặc đón rước danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được trao tặng

Xem thêm Thông tư 99/2024/TT-BQP có hiệu lực từ 05/01/2025.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 67

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]