Tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên Hội đồng quản lý trong ĐVSN công lập thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
09/12/2023 11:15 AM

Tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên Hội đồng quản lý trong ĐVSN công lập thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê được quy định thế nào? – Nhật Hạnh (Tây Ninh)

Tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên Hội đồng quản lý trong ĐVSN công lập thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê

Tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên Hội đồng quản lý trong ĐVSN công lập thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 01/12/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 12/2023/TT-BKHĐT hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê (sau đây viết tắt là Hội đồng quản lý)

Tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên Hội đồng quản lý

Cụ thể tại Điều 14 Thông tư 12/2023/TT-BKHĐT quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên Hội đồng quản lý trong ĐVSN công lập thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê như sau:

(1) Tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên Hội đồng quản lý.

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và ý thức kỷ luật tốt.

- Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.

- Có trình độ từ đại học trở lên.

- Đủ tuổi công tác ít nhất 01 nhiệm kỳ 05 năm đối với công chức, viên chức.

- Không trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật hoặc trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

- Không phải là vợ hoặc chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của đơn vị sự nghiệp công lập.

(2) Tiêu chuẩn, điều kiện đối với Chủ tịch Hội đồng quản lý.

- Đáp ứng quy định tại (1).

- Có năng lực, kinh nghiệm quản lý hoặc chuyên môn về lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý

Thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê có các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

(1) Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản lý.

- Điều hành Hội đồng quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 9 Thông tư 12/2023/TT-BKHĐT.

- Tổ chức việc giám sát và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; kết quả quản lý điều hành của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động theo nhiệm kỳ và hàng năm, hàng quý của Hội đồng quản lý; lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý.

- Triệu tập, chủ trì các cuộc họp Hội đồng quản lý; chỉ đạo chuẩn bị các chương trình, tài liệu cuộc họp hoặc lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản lý.

- Thay mặt Hội đồng quản lý ký các văn bản của Hội đồng quản lý.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc theo quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng quản lý và của đơn vị sự nghiệp công lập.

(2) Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có).

- Điều hành hoạt động và ký các văn bản theo phân công, ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng quản lý.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên khác của Hội đồng quản lý theo quy định tại (4).

(3) Nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Hội đồng quản lý.

Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên khác của Hội đồng quản lý theo quy định tại (4) và trực tiếp giúp Chủ tịch Hội đồng quản lý những nhiệm vụ sau đây:

- Tổng hợp thông tin về hoạt động của đơn vị báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản lý; chuẩn bị chương trình nghị sự, tài liệu, giấy mời họp và làm thư ký các cuộc họp của Hội đồng quản lý; xây dựng, hoàn chỉnh, lưu trữ văn bản của Hội đồng quản lý.

- Chuẩn bị các báo cáo, văn bản giải trình với cơ quan nhà nước và các cơ quan có liên quan theo nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng quản lý.

- Các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng quản lý giao và theo Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.

(4) Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên khác của Hội đồng quản lý.

- Thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng quản lý phân công; các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý và của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động theo nhiệm kỳ và hàng năm; đề xuất nội dung và các vấn đề cần thảo luận tại cuộc họp Hội đồng quản lý.

- Dự các cuộc họp của Hội đồng quản lý, góp ý kiến, biểu quyết về những vấn đề đưa ra thảo luận trong các cuộc họp của Hội đồng quản lý.

(Điều 13 Thông tư 12/2023/TT-BKHĐT)

Thông tư 12/2023/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/01/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,729

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn