Tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
20/11/2023 13:35 PM

Tôi muốn biết để xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2024 thì cần các tiêu chuẩn gì? – Vân Anh (Tiền Giang)

Tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2024

Tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 15/11/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 10/2023/TT-BNNPTNT Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo đó, tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2024 sẽ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật Thi đua, khen thưởng 2022:

Cụ thể, danh hiệu “Lao động tiên tiến” để tặng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đạt các tiêu chuẩn sau đây:

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;

- Có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua.

Về thẩm quyền công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”:

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với các đồng chí lãnh đạo Bộ.

- Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc, trực thuộc Bộ quyết định tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” cho các cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trực tiếp quản lý.

(Điều 4 Thông tư 10/2023/TT-BNNPTNT)

Được biết, danh hiệu “Lao động tiên tiến” là một trong các danh hiệu thi đua đối với cá nhân.

Danh hiệu thi đua là hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong thi đua.

(Khoản 2 Điều 3 và khoản 4 Điều 19 Luật Thi đua, khen thưởng 2022)

Hiện hành tại Thông tư 08/2018/TT-BNNPTNT, chỉ có danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” áp dụng cho tập thể.

Theo đó để đạt được danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, tập thể đó phải đạt các tiêu chuẩn sau:

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ và kế hoạch được giao;

- Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, có hiệu quả;

- Có trên 50% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến" và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

- Nội bộ đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng từ năm 2024

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng từ năm 2024 sẽ có các trách nhiệm sau đây:

(1) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến; đánh giá thành tích; chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng.

(2) Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa về quản lý công tác thi đua, khen thưởng.

(3) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quy định tại (1), (2) và có trách nhiệm sau đây:

- Tuyên truyền, vận động, động viên các đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng;

- Tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức các phong trào thi đua;

- Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng và phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.

(4) Cơ quan báo chí có trách nhiệm thực hiện quy định tại (1), (2) và thường xuyên tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tích cực tham gia phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc; phổ biến, nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần cổ vũ, khích lệ phong trào thi đua. Công tác tuyên truyền phản ánh đúng kết quả của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; kịp thời phản ánh, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.

(5) Cơ quan, tổ chức, đơn vị tham mưu, giúp việc về công tác thi đua, khen thưởng có trách nhiệm sau đây:

- Tham mưu, đề xuất thực hiện công tác thi đua, khen thưởng;

- Tham mưu phát động phong trào thi đua; xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung thi đua;

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, xem xét, thẩm định hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; trình cấp có thẩm quyền quyết định việc khen thưởng;

- Tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua.

(Điều 13 Luật Thi đua, khen thưởng 2022)

Xem thêm tại Thông tư 10/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 và thay thế Thông tư 08/2018/TT-BNNPTNT.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 761

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn