Bộ GDĐT lấy ý kiến đề xuất xây dựng chính sách đặc thù để tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Nghệ thuật

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
18/10/2023 14:03 PM

Cho tôi hỏi Bộ GDĐT đã lấy ý kiến đề xuất xây dựng chính sách đặc thù để tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Nghệ thuật hay chưa? - Ngọc Lệ (Tiền Giang)

Bộ GDĐT lấy ý kiến đề xuất xây dựng chính sách đặc thù để tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Nghệ thuật

Bộ GDĐT lấy ý kiến đề xuất xây dựng chính sách đặc thù để tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Nghệ thuật (Hình từ Internet)

Ngày 13/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5695/BGDĐT-NGCBQLGD xin ý kiến về đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách đặc thù để tuyển dụng giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật.

Bộ GDĐT lấy ý kiến đề xuất xây dựng chính sách đặc thù để tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Nghệ thuật 

Theo đó, thực hiện Nghị quyết 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội đề xuất một số chính sách đặc thù để tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới (Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật) thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để có căn cứ đề xuất chính sách theo yêu cầu của Nghị quyết 75/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp, cho ý kiến đối với các nội dung theo Phụ lục đính kèm Công văn này.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang dự kiến đề xuất “cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế nhưng thiếu nguồn tuyển dụng được tuyển dụng sinh viên/giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy các môn học Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

- Nội dung chính sách: cho phép tuyển dụng sinh viên, giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) đào tạo chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật để dạy các môn học này ở cấp tiểu học, THCS, THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Các giáo viên này sau khi được tuyển dụng phải tham gia lộ trình nâng chuẩn để đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

- Quy trình tuyển dụng đối tượng này thực hiện theo quy định của Chính phủ. Các chế độ, chính sách sau khi tuyển dụng được áp dụng các quy định của Chính phủ và Bộ GDĐT.

- Về phạm vi thực hiện và thời gian áp dụng: Việc tuyển dụng đối tượng này được thực hiện đến hết năm 2028 (2 năm trước khi kết thúc lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ để đến năm 2030 bảo đảm trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019).

Bên cạnh đó, trên cơ sở thực tiễn trong quá trình thực hiện các quy định hiện hành của Luật Viên chức, Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng, sử dụng viên chức (trong đó có viên chức ngành Giáo dục) và việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù trong việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật đã đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 nhằm thu hút, bổ sung nguồn tuyển dụng đối với các môn học này.

Nội dung lấy ý kiến đề xuất xây dựng chính sách đặc thù để tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Nghệ thuật 

Theo đó, nội dung mà Bộ GDĐT lấy ý kiến địa phương về đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách đặc thù để tuyển dụng giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật như sau:

* Ý kiến của địa phương đối với đề xuất “cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế nhưng thiếu nguồn tuyển dụng được tuyển dụng sinh viên/giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy các môn học Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”:

- Đánh giá sự cần thiết, phù hợp của đề xuất chính sách này đối với địa phương;

- Cho ý kiến về tác động kinh tế, xã hội và khả năng triển khai ở địa phương, những khó khăn vướng mắc khi triển khai thực hiện nếu đề xuất chính sách được thông qua. Định hướng đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

- Kiến nghị với Bộ, ngành khi triển khai thực hiện chính sách.

* Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù khác:

Các địa phương đề xuất các chính sách về cơ chế, chính sách đặc thù trong việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật đã đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 nhằm thu hút, bổ sung nguồn tuyển dụng đối với các môn học này:

- Ghi rõ, cụ thể cơ chế, chính sách đề xuất;

- Đánh giá sơ bộ tác động của cơ chế, chính sách đề xuất đối với thực tiễn địa phương: tác động về kinh tế, xã hội...Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ khi thực hiện;

- Xác định nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách đề xuất;

- Kiến nghị với Bộ, ngành khi triển khai thực hiện chính sách.

Xem thêm Công văn 5695/BGDĐT-NGCBQLGD ban hành ngày 13/10/2023.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,106

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn