Chính phủ đang thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, đây là việc không thể không làm và sẽ có nhiều điểm mới

28/09/2023 11:47 AM

(Chinhphu.vn) - Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh tiền lương cơ sở và đang thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Đây là việc không thể không làm và sẽ có nhiều điểm mới, lộ trình bắt đầu từ việc bãi bỏ lương cơ sở. Cải cách tiền lương là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri.

Quốc hội sẽ thảo luận công tác cải cách chính sách tiền lương

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội  Đào Ngọc Dung và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 8 dự án luật.

Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ thảo luận kỹ về vấn đề bảo hiểm xã hội và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, trọng tâm là công tác cải cách chính sách tiền lương.

Theo Bộ trưởng, năm 2018, tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, cả hai Nghị quyết đều đang được hiện thực hóa vào cuộc sống.

Bỏ lương cơ sở, thiết kế 5 bảng lương mới

“Cải cách chính sách tiền lương là việc không thể không làm và sẽ có nhiều điểm mới, lộ trình bắt đầu từ việc bãi bỏ lương cơ sở. Đây là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội

Nhìn vào tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, thời gian qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải bỏ việc vì lương thấp.

Để tạm thời bù đắp một phần thu nhập, đảm bảo đời sống cho người dân, ngày 01/7/2023, Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh tiền lương cơ sở và đang thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

“Cải cách chính sách tiền lương là việc không thể không làm và sẽ có nhiều điểm mới, lộ trình bắt đầu từ việc bãi bỏ lương cơ sở. Đây là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, bên cạnh việc bỏ lương cơ sở, Chính phủ sẽ thiết kế song song 05 bảng lương mới, gồm: bảng lương đối với lãnh đạo, cán bộ quản lý; bảng lương của đối tượng làm chuyên môn nghiệp vụ; bảng lương đối với lực lượng vũ trang; ...

Riêng lực lượng vũ trang có 3 bảng lương gồm mức lương cho sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; quân nhân quốc phòng và quân nhân của lực lượng công an.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị.

Hỗ trợ người dân giảm nghèo phải "ra tấm ra miếng" không làm một cách chung chung, kém hiệu quả

Tại buổi tiếp xúc cử tri, nhiều kiến nghị của cử tri được trình bày, tập trung tới một số nội dung như: quy định tham gia bảo hiểm xã hội; xây dựng cơ bản, đất đai, giao thông; cải cách chính sách tiền lương; nâng mức hỗ trợ kinh phí khi di chuyển các phần mộ liệt sĩ nơi khác về địa phương; rà soát, kiểm tra lại chế độ hưởng bảo hiểm y tế cho người có công, đồng bào dân tộc thiểu số…

Trả lời cử tri, Bộ trưởng ghi nhận, thời gian qua, huyện Thường Xuân có sự thay đổi rất nhanh, có tiến bộ vượt bậc về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, huyện có hướng đi đúng, phấn đấu đến năm 2025 sẽ thoát nghèo.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vừa qua, Đảng bộ Bộ, Công đoàn Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã thường xuyên phối hợp với địa phương đẩy mạnh các công tác liên quan đến sinh kế và đời sống của người dân. Đặc biệt, các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã hỗ trợ địa phương xây dựng, cải tạo trường học, xây nhà tặng người có công, giúp trẻ em nghèo, trao học bổng, nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ thêm, thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo việc đầu tư hỗ trợ phải “ra tấm ra miếng”, đến từng hộ dân, không làm một cách chung chung, kém hiệu quả.

Về kiến nghị của cử tri liên quan đến chương trình đầu tư nâng cấp nơi thờ tự, nghĩa trang liệt sỹ, Bộ trưởng tán thành và giao Cục Người có công bố trí, bàn bạc với Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa để sớm triển khai.

Đối với kiến nghị hỗ trợ xây nhà tặng người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, Trung ương đang giao cho Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tiếp tục xây dựng đề án này.

"Vừa qua, cả nước đã thực hiện việc hỗ trợ xây dựng hơn 500.000 căn nhà với số tiền trên 11.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ thực hiện cuộc vận động cả nước chung tay vì người nghèo, xóa toàn bộ những căn nhà tạm bợ, dột nát bằng vốn nhà nước và sự hỗ trợ của các tổ chức trong toàn xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với cử tri.

Dự kiến trong 2 năm tới cả nước sẽ xóa được 900.000 căn nhà tạm bợ, dột nát cho người nghèo và người có công. Chương trình được thực hiện theo hướng, nhà nước hỗ trợ một phần và người dân đóng góp cũng như các tổ chức xã hội hỗ trợ thêm để hoàn thiện.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,446

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]